Năm 2024 đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) - một bước tiến mang tính cách mạng, định hình tương lai về công nghệ của nhân loại. Đặc biệt trong năm 2024, dấu ấn này trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.
ChatGPT - nền tảng AI tạo sinh (Gen AI) nổi bật từ cuối năm 2022 - đến nay đã đạt 300 triệu người dùng hàng tuần.
Một giải Nobel Hóa học duy nhất dành cho chương trình trí tuệ nhân tạo của nhóm nhà khoa học phát triển Alphafold đã làm thay đổi cách tiếp cận trong cấu trúc protein, mở ra cơ hội mới trong việc phát triển thuốc và vaccine.
Theo Grand View Research, riêng ngành công nghiệp AI đã đạt mức 279,22 tỷ USD và dự báo năm 2030 sẽ đạt 1811,74 tỷ USD.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Google, nếu được áp dụng rộng rãi, các công cụ trí tuệ nhân tạo tại nước ta có thể mang lợi ích kinh tế lên tới 1.890 nghìn tỷ đồng (khoảng 79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp, tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030.
Các tập đoàn lớn tại Việt Nam với các đơn vị nghiên cứu, chuyên biệt về AI cũng đang tăng tốc, phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực, hỗ trợ mạnh mẽ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Là chương trình thường niên do Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, chương trình Ấn tượng Khoa học Công nghệ tôn vinh những đóng góp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ vào đời sống xã hội.
Với chủ đề "Giải mã AI", chương trình điểm lại những điều thần kỳ mà trí tuệ nhân tạo đã làm được trong năm vừa qua, cùng với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ, mang đến bức tranh toàn cảnh đầy màu sắc về lĩnh vực công nghệ của năm 2024.
Ứng dụng AI trong trường học
AI đã và đang hiện diện ở rất nhiều nơi trong trường học. Không chỉ hỗ trợ cho giáo viên mà các em học sinh giờ đây cũng sử dụng AI rất thành thạo để việc học tập được thuận tiện dễ dàng hơn.
Ngày 25/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó xác định rõ mục tiêu chung là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, AI chính là công cụ tốt nhất để hỗ trợ giáo viên thay đổi cách làm việc, bổ sung các giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ, do đó, giáo viên phải tận dụng AI.
AI giúp giáo viên bổ sung các giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ, từ đó cải thiện chất lượng giảng dạy
TS. Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đang triển khai giới thiệu, tổ chức hội thảo cho các nhà giáo về hoạt động của AI, đào tạo được nhiều giáo viên cốt cán về sử dụng AI phục vụ thiết kế các bài giảng, mang lại hiệu quả tốt và lan tỏa trong đội ngũ giáo viên ở các địa phương.
Có thể nói, trí tuệ nhân tạo đã, đang và sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục, mang đến những cơ hội to lớn về đổi mới trong cách dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo ra môi trường học tập hiệu quả hơn cho tất cả mọi người.
Phát triển doanh nghiệp, nhà máy thông minh
Trí tuệ nhân tạo đang có những tác động đáng kể đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Không chỉ đơn giản là dùng ChatGPT hỗ trợ các công việc hàng ngày, các doanh nghiệp Việt Nam đang dần trở nên chuyên nghiệp hơn khi ứng dụng AI trong quy trình. Trong tương lai gần, những doanh nghiệp không áp dụng AI sẽ gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ và có nguy cơ theo sau thị trường.
Theo một nghiên cứu được công bố bởi PwC - một trong những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, khoảng 60% CEO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tỏ ra lạc quan về triển vọng của công nghệ này trong năm 2025 và dự đoán Gen AI sẽ tác động đáng kể đến doanh nghiệp, lao động và thị trường của họ trong 3 năm tới.
Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng trở nên thông minh và giúp con người vận hành công việc tối ưu hơn. Theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành ngành công nghệ mũi nhọn.
Trong năm 2023 và năm 2024, số lượng tin đăng tuyển dụng vị trí của riêng ngành công nghệ thông tin có từ khóa liên quan đến AI tăng khoàng 113% và các ngành nghề khác cũng tăng đột biến. Nhu cầu về nhân viên có khả năng làm việc cùng với AI và các hệ thống tự động hóa đang gia tăng. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới cho người lao động như cải thiện kỹ năng làm việc cùng với công nghệ và hiểu biết về cách tương tác với các hệ thống AI.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhờ AI
Theo dự báo của tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC, thị trường AI tại Việt Nam nói chung bao gồm cả lĩnh vực y tế dự kiến sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2025. Nhiều bệnh viện lớn đã ứng dụng AI trong khám chữa bệnh, đặc biệt là trong sàng lọc và chẩn đoán sớm bệnh hiểm nghèo như ung thư.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, một cuộc cách mạng trong sàng lọc và chẩn đoán ung thư đang diễn ra nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. AI giúp phát hiện và khoanh vùng nhanh chóng các tổn thương, đưa ra chẩn đoán và sàng lọc sớm về tình trạng bệnh, đưa ra tỷ lệ về nguy cơ ác tính của ca bệnh, tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian...
AI giúp nâng cao khả năng sàng lọc và chẩn đoán các bệnh hiểm nghèo
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trí tuệ nhân tạo cũng đã được triển khai từ sớm để chẩn đoán và sàng lọc sớm ung thư cho bệnh nhân, đặc biệt là ung thư vú. Với hơn 1.500 phụ nữ được chụp X quang tuyến vú, nhờ sự hỗ trợ của AI, kết quả cho thấy độ nhạy trong việc chẩn đoán ung thư vú được nâng cao đáng kể.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính trên toàn cầu có khoảng 4,7 tỷ người chưa tiếp cận được dịch vụ chẩn đoán hình ảnh và khoảng 10% bệnh nhân chết hoặc tổn thương nghiêm trọng vì chẩn đoán sai. Với nhân lực ngành y tế có hạn, chìa khóa giải quyết vấn đề được kỳ vọng ở sức mạnh vô hạn của trí tuệ nhân tạo.
AI có trở thành mối lo ngại đối với con người?
Trí tuệ nhân tạo có mặt khắp mọi nơi, giúp đơn giản hóa nhiều công việc của con người, từ việc có thể tự tạo ra một tác phẩm nghệ thuật cho đến vận hành các nhà máy thông minh. AI có thể học rất nhiều với tốc độ siêu nhanh, điều này cũng đặt ra nhiều lo ngại.
Một buổi công chiếu phim tại London (Anh) đã bị hủy bỏ sau khi nhận về phản ứng dữ dội từ công chúng. Lý do là bởi kịch bản của bộ phim này được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.
Chỉ với một câu lệnh, trong vòng chưa tới 1 phút, trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra một website với đầy đủ chức năng của một website thông thường. Bên cạnh sự tiện lợi, nhanh chóng, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo cũng dấy lên một số lo ngại nếu được sử dụng với mục đích không đúng đắn.
Việc thu thập dữ liệu lớn để huấn luyện các mô hình AI đã trở thành một thực tế phổ biến. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những lo ngại về bảo mật dữ liệu và nguy cơ sử dụng dữ liệu một cách trái phép.
Hiện nay, các chuyên gia cũng đang hết sức quan ngại về vấn đề tiềm ẩn nguy cơ khi sử dụng AI bởi trên thực tế, ở nhiều quốc gia, AI đã được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Kẻ xấu có thể lợi dụng công cụ này cho nhiều âm mưu phi pháp khác nhau như lừa đảo trực tuyến, viết phần mềm độc hại...
Theo ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc, việc sử dụng AI cho mục đích xấu như khủng bố, tội phạm có thể gây ra mức độ chết chóc và hủy diệt khủng khiếp, chấn thương và tổn thương tâm lý sâu sắc ở mức không tưởng tượng được. AI vừa có tiềm năng, vừa có rủi ro trên quy mô lớn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Ảnh: AFP)
Để đảm bảo rằng công nghệ này được phát triển và ứng dụng một cách an toàn, có trách nhiệm và mang lại lợi ích cho xã hội, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang tích cực nghiên cứu và xây dựng các khung pháp lý liên quan đến AI, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, với sự ra đời của Ủy ban Đạo đức AI vào đầu tháng 12/2024, Việt Nam đang thể hiện nỗ lực trong việc xây dựng một hệ sinh thái AI - nơi đổi mới sáng tạo được phát triển trong khuôn khổ đạo đức, đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu và bảo vệ các giá trị xã hội.
AI góp phần định hình Việt Nam thành một quốc gia hiện đại và sáng tạo
Năm 2024, dấu ấn của AI tại Việt Nam không chỉ đến từ những ứng dụng vượt trội mà còn từ những chính sách và định hướng mạnh mẽ của Chính phủ, từ sự hỗ trợ kịp thời và chiến lược rõ ràng.
Chiến lược quốc gia đến năm 2030 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo đặt mục tiêu biến AI thành một trụ cột kinh tế. Chính phủ cam kết đào tạo 50.000 nhân lực AI đến năm 2030, ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các start-up AI.
Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và tập đoàn Nvidia về hợp tác thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo và trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam vừa được ký trong những ngày cuối năm 2024. Cùng với đó, trong năm qua, Việt Nam cũng thành lập các trung tâm nghiên cứu về AI lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quy Nhơn.
Sự hỗ trợ từ chính sách đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực AI. Những ứng dụng AI trong công việc, học tập và đời sống hàng ngày cũng giúp cải thiện đáng kể năng suất lao động và năng lực chuyển đổi số của toàn xã hội.
Hiện tại, Việt Nam xếp thứ 5 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu, là trung tâm tiềm năng về AI tại khu vực Đông Nam Á.
AI cũng là giải pháp cho nhiều vấn đề xã hội, từ việc cải thiện chăm sóc sức khỏe đến quản lý giao thông, nâng cao chất lượng giáo dục... AI đã từng bước đi vào đời sống, thay đổi cách làm việc và cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung rà soát, cải thiện các vấn đề về khuôn khổ pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng thị trường ứng dụng cho các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. Với tầm nhìn dài hạn và sự hỗ trợ đúng đắn, AI không chỉ mang lại cơ hội phát triển mà còn khẳng định vị thế Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.