VTV.vn - Việc ngăn chặn các thông tin xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội như Telegram, Snapchat, Facebook... đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Đối với các nền tảng mạng xã hội có tới hàng trăm triệu người dùng như Telegram hay Snapchat, thậm chí hàng tỷ người dùng như Facebook, việc ngăn chặn các thông tin xấu độc ngày càng trở nên cấp thiết.
Vấn đề này lại một lần nữa nóng lên với vụ Giám đốc điều hành của ứng dụng nhắn tin Telegram - Pavel Durov mới bị bắt giữ tại Pháp với lý do là nền tảng này từ chối hợp tác với chính quyền nhằm ngăn chặn sự lan truyền của nội dung khiêu dâm trẻ em, ma túy và rửa tiền.
Những hình ảnh nhạy cảm của phụ nữ bị rò rỉ trên nền tảng tại hơn 20 quốc gia. Những bức ảnh giả mạo kiểu Deepfake lan truyền trên ứng dụng nhắm vào những phụ nữ và bé gái, gán ghép họ vào những hình ảnh xấu độc, không phù hợp. Các hội nhóm được lập ra để lan truyền thông tin giả, không được kiểm chứng. Theo hãng tin Wion, đây chỉ là một vài trong số khá nhiều vấn đề mà Telegram chưa giải quyết được.
Ngày 27/8, Công tố viên thủ đô Paris của Pháp thông báo, CEO Telegram bị bắt để điều tra về 12 cáo buộc hình sự, liên quan đến việc thiếu sự kiểm duyệt nội dung trên ứng dụng này.
Ngay sau thông tin này, đồng Token liên quan tới nền tảng Telegram đã bị thổi bay 2,7 tỷ USD giá trị thị trường.
Mới đây nhất, Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc, cơ quan quản lý truyền thông nhà nước, đã tổ chức một cuộc họp vào thứ Tư để thảo luận về các biện pháp chống lại những nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin phổ biến.
Ông Ryu Hee-lim, phát ngôn viên của Ủy ban Tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc, cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng gấp đôi số lượng nhân sự giám sát Telegram và các nền tảng truyền thông xã hội lớn. Đây là các kênh chính cho các video tội phạm Deepfake. Chúng tôi sẽ hành động để nhanh chóng phát hiện và xóa các video xấu độc".
CEO của Telegram, ông Pavel Duvrov, 39 tuổi, hiện có quốc tịch Nga, Pháp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saint Kitts & Nevis. Năm 2013, tỷ phú công nghệ này đã sáng lập Telegram. Ứng dụng nhắn tin này đã phát triển theo cấp số nhân khi hiện có trên 900 triệu người dùng. Tạp chí Forbes ước tính, giá trị tài sản của ông Durov hiện là 15,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, với 900 triệu người dùng, Telegram hiện đang được định giá 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những vấn đề mà Telegram gặp phải thì các nền tảng mạng xã hội khác cũng không miễn nhiễm.
Ông Fabrice Epelboin, chuyên gia mạng xã hội, cho rằng: "Đúng là có tình trạng buôn bán trẻ em qua nền tảng Telegram nhưng trên Snapchat cũng có. Mua bán chất cấm trên Telegram nhưng Facebook cũng có. Đây không phải vấn đề của riêng nền tảng nào. Mà với hàng trăm triệu người dùng mỗi ngày thì việc có những kẻ phạm pháp lợi dụng nền tảng là điều dễ xảy ra".
Những năm gần đây, các chính phủ và các thể chế lớn liên tục đưa ra những dự luật nhằm buộc các nền tảng mạng xã hội phải có biện pháp cứng rắn hơn trong việc quản lý nội dung xấu độc và bảo vệ người dùng. Điển hình như hồi tháng 2 vừa rồi, chính phủ Canada đã đưa ra đạo luật An toàn trên không gian mạng, buộc các công ty công nghệ phải tích cực dẹp bỏ thanh lọc các nội dung không phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!