Bộ Công Thương đang hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà phân phối, tăng khuyến mại mạnh hơn để kích cầu mua sắm.
Cả nước đang trong Tháng khuyến mại tập trung quốc gia do Bộ Công Thương phát động. Trong chương trình này năm ngoái, các doanh nghiệp từ sản xuất hàng hoá đến dịch vụ thanh toán đã cùng thực hiện gần 75.000 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng gần 3% so với tháng trước và hơn 9,3% so với cùng kỳ. Năm nay dự báo sẽ còn tốt hơn năm ngoái.
Bà Lê Thị Hồng Nhi - Phó Tổng Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển bền vững, Công ty Unilever Việt Nam cho biết: "Khi có sự chỉ đạo của nhà nước thì các nhãn hàng sẽ có nhiều động lực để tham gia một cách tập trung kêu gọi sự chú ý của toàn xã hội nhiều hơn là những chương trình tản mát".
"Là trung tâm của thanh toán, là huyết mạch của nền kinh tế thì ngành ngân hàng đồng hành cùng tháng khuyến mại tập trung quốc gia. Người bán hàng nhận được tiền nhanh hơn. Người mua hàng nhận nhiều ưu đãi hơn", ông Nguyễn Quang Hiện - Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội cho hay.
Bộ Công Thương đang hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà phân phối, tăng khuyến mại mạnh hơn để kích cầu mua sắm. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.
Cũng kể từ tháng 12 này trở đi, các doanh nghiệp khi muốn khuyến mại giảm giá hoặc tặng quà thì sẽ không phải thực hiện thủ tục hành chính với Sở Công Thương.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thông tin: "Nghị định 128 có hiệu lực từ 1/12, trong đó có 5 trên 7 hình thức khuyến mại sẽ không phải thực hiện thủ tục hành chính nữa".
Dự kiến có hàng trăm nghìn lượt thủ tục hành chính về khuyến mại được bãi bỏ, giúp các doanh nghiệp giảm tới hơn 90% chi phí tuân thủ.