Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite vừa trải qua tháng giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2022, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại thuế nhập khẩu mới có thể kéo nền kinh tế vào suy thoái.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3, chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJIA) tăng 1%, đạt 42.001 điểm. S&P 500 cũng nhích lên 0,55%, chốt phiên ở mức 5.611 điểm. Ngược lại, Nasdaq Composite giảm 0,14%, còn 17.299 điểm. Trong phiên, cả S&P 500 và Nasdaq Composite có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất trong vòng sáu tháng qua.
Nhóm cổ phiếu công nghệ chịu áp lực bán tháo mạnh mẽ, với Nvidia, Microsoft và Tesla đều giảm hơn 1%. Chỉ số đo lường biến động thị trường - CBOE Volatility Index - cũng tăng lên mức cao nhất trong hai tuần. Tuy nhiên, nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu tài chính, thị trường phần nào lấy lại động lực. Discover Financial Services và Capital One Financial lần lượt tăng 7,5% và 3,3%, khi giới đầu tư kỳ vọng thương vụ sáp nhập giữa hai công ty này sẽ được cơ quan quản lý chấp thuận.
Tính chung cả tháng, S&P 500 và Nasdaq Composite vẫn ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2022. Hai chỉ số này cũng có quý giảm mạnh nhất gần 3 năm.
Giới đầu tư đang có xu hướng rút khỏi các tài sản rủi ro trước thềm ngày 2/4, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố các biện pháp thuế nhập khẩu đối ứng đối với toàn bộ đối tác thương mại của Mỹ. Ngày 30/3, ông Trump tuyên bố chính sách thuế lần này sẽ có phạm vi áp dụng toàn cầu, thay vì chỉ tập trung vào những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Thông tin này làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát có thể gia tăng và đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Chứng khoán Mỹ chịu áp lực từ đầu năm nay khi các biện pháp thuế nhập khẩu liên tục được công bố. "Có quá nhiều yếu tố tiêu cực tác động lên thị trường. Nhà đầu tư đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất", Daniela Hathorn, chuyên gia phân tích thị trường tại Capital.com, nhận định.
Cả ba chỉ số chủ chốt của Wall Street đang trên đà ghi nhận tháng 3 và quý I giảm mạnh. S&P 500 và Nasdaq đang có quý tệ nhất gần 3 năm.
Vì bất ổn quanh chính sách thuế nhập khẩu, ngân hàng Goldman Sachs ngày 30/3 nâng dự báo về khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới, từ 20% lên 35%. Họ cũng hạ dự báo cho S&P 500 năm nay và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất nhiều hơn trong năm 2025.
Tuần này, thị trường sẽ đón nhận một vài số liệu quan trọng, từ chỉ số sản xuất đến báo cáo việc làm tháng 3. Một số quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell, cũng sẽ có bài phát biểu trong vài tháng tới./.