Công ty Areana bị tố vi phạm hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ: Thực hư ra sao?

Nông Thảo Ly - Thứ tư, ngày 02/04/2025 11:15 GMT+7

Theo như Thị Trường 24h đã đưa tin, Công ty TNHH du lịch tập đoàn Areana Việt Nam (công ty Areana) bị khách hàng phản ánh về việc ký kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ nhưng không thực hiện đúng cam kết.

Công ty Areana bị tố vi phạm hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ: Thực hư ra sao?
Ảnh minh hoạ.

Nhiều khách hàng cho biết sau khi đóng tiền, họ không được sử dụng dịch vụ như thỏa thuận, thậm chí gặp khó khăn khi liên hệ với công ty. Trong khi đó, phía Areana lại đưa ra những lý do biện minh và cam kết sẽ giải quyết các vấn đề phát sinh. Hiện vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những người đã tham gia vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ của công ty này.

Được biết Công ty TNHH du lịch tập đoàn Areana Việt Nam (công ty Areana) được thành lập vào ngày 25/07/2024, tuy nhiên, phải đến ngày 27/09/2024, doanh nghiệp này mới được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Điều đáng nói là trước thời điểm này, công ty đã tiến hành ký kết và ký gửi các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ cho khách hàng từ tháng 7, tháng 8 và cả đầu tháng 9, khi chưa có đầy đủ giấy phép hoạt động trong lĩnh vực lữ hành.

11.jpg

Công ty Areana được thành lập ngày 25/7/2024

12.jpg

Nguồn quanlyluhanh.vn

22294db4638ad3d48a9b.jpg

Danh sách các khách hàng đã kí hợp đồng với công ty Areana

Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về tính pháp lý của các hợp đồng mà công ty Areana đã giao dịch trước thời điểm được cấp phép, đồng thời khiến nhiều khách hàng lo ngại về quyền lợi cũng như tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của công ty này.

Và thực tế, sự lo ngại đó hoàn toàn không thừa. Sau khi ký hợp đồng, những cam kết mà công ty Areana đưa ra đã không được thực hiện. Nhiều khách hàng phản ánh rằng họ không nhận được dịch vụ như thỏa thuận, thậm chí gặp khó khăn khi liên hệ với công ty để giải quyết vấn đề.


Thiết kế chưa có tên (3).jpg

Phía công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường (ALMA) khẳng định không liên kết với bất kỳ đơn vị nào khác trong việc hỗ trợ cho thuê, chuyển nhượng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Doanh nghiệp này cũng không có chính sách mời khách hàng ký hợp đồng mới để được hỗ trợ các giao dịch liên quan. ALMA cũng khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước những lời mời gọi từ cá nhân, tổ chức không thuộc công ty, đồng thời khẳng định chỉ thực hiện giao dịch hợp lệ khi có dấu pháp nhân và chứng từ tài chính hợp pháp.

Thiết kế chưa có tên (4).jpg

Trụ sở công ty Areana tại Lê Văn Lương, Thanh Xuân, TP Hà Nội

Trao đổi với Thị Trường 24h, Luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) đã phân tích khung pháp lý liên quan và đưa ra khuyến nghị giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình.

Sở hữu kỳ nghỉ là gì? Có được pháp luật bảo vệ?

Luật sư Lê Hồng Hiển cho biết, sở hữu kỳ nghỉ là mô hình kinh doanh trong lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng, theo đó khách hàng thanh toán một khoản tiền lớn ban đầu để có quyền sử dụng kỳ nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định mỗi năm, kéo dài từ 10 đến 50 năm.

2fc3d4b9-1814-4ccd-adbd-4c4cc945647a.jpg

Luật sư Lê Hồng Hiển - Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự

Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình này chưa có văn bản pháp luật chuyên ngành nào điều chỉnh trực tiếp. Các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được xem như hợp đồng dân sự, chủ yếu được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015 cùng với các quy định gián tiếp từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Du lịch, Luật Quảng cáo và Luật Cạnh tranh.

"Việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng khiến mô hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong trường hợp phát sinh tranh chấp hoặc bên cung cấp không thực hiện đúng cam kết", luật sư nhận định.

Theo luật sư, nếu Công ty Areana mạo danh một công ty khác có uy tín để trục lợi thì sẽ bị xử lý ra sao?

“Nếu Công ty Areana mạo danh Công ty Alma – một doanh nghiệp có thương hiệu trên thị trường, để chiếm lòng tin của khách hàng và yêu cầu họ ký hợp đồng mới, nộp tiền với lời hứa “thanh lý hợp đồng cũ”, thì đây là hành vi lừa dối khách hàng. Tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 và/hoặc tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp, khách hàng (bên bị lừa dối) khởi kiện ra tòa thì Tòa án có thẩm quyền có thể tuyên bố Hợp đồng nêu trên vô hiệu theo quy định tại Điều 122, Điều 126 và Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015”, Luật sư Lê Hồng Hiển khẳng định.

Bị ép ký hợp đồng mới, đóng thêm tiền nhưng không được thanh lý: Có thể kiện?

Luật sư Lê Hồng Hiển trích dẫn quy định tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015: "Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng".

Do đó, luật sư nhấn mạnh: "Nếu có căn cứ cho rằng mình bị ép ký hợp đồng, việc ký kết là bị lừa dối hoặc ép buộc thì cá nhân đó có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tuyên bố các giao dịch đó vô hiệu theo quy định tại Điều 126, Điều 127 Bộ luật Dân sự".

Khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu, theo Điều 131 Bộ luật Dân sự, các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải bồi thường bằng tiền, đồng thời bên có lỗi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Khách hàng khi phát hiện điều khoản bất lợi trong hợp đồng có thể làm gì? Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý?

Đối với những khách hàng đã ký hợp đồng nhưng phát hiện điều khoản bất lợi hoặc có dấu hiệu bị lừa dối, luật sư khuyến nghị: Đầu tiên thu thập đầy đủ chứng cứ: hợp đồng, hóa đơn, giấy chuyển tiền, tin nhắn, bản ghi âm, ảnh chụp..; thứ hai làm đơn tố giác gửi đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự; Thứ ba khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, yêu cầu hủy bỏ hợp đồng và hoàn trả tiền, hoặc yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu.

"Việc xử lý càng sớm càng có lợi cho khách hàng, đồng thời giúp cơ quan chức năng ngăn chặn những hành vi vi phạm tương tự", luật sư Hiển nhấn mạnh.

Bài liên quan
Thay vì tận hưởng những kỳ nghỉ đáng mơ ước, không ít người rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi muốn thanh lý hợp đồng. Những điều khoản mập mờ, thủ tục rắc rối và các công ty môi giới thiếu minh bạch đã biến giấc mơ nghỉ dưỡng thành cơn ác mộng tài chính, đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần chồng chất.
Thay vì tận hưởng những kỳ nghỉ đáng mơ ước, không ít người rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi muốn thanh lý hợp đồng. Những điều khoản mập mờ, thủ tục rắc rối và các công ty môi giới thiếu minh bạch đã biến giấc mơ nghỉ dưỡng thành cơn ác mộng tài chính, đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần chồng chất.
Các dự án đầu tư sản xuất ô tô Thành Công-Hyundai đã thành công thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đầu tư tại tỉnh Ninh Bình.
02/04/2025
Tin mới