Trong 6 tháng đầu năm nay, hệ thống ngân hàng đã bơm khoảng 1,55 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế, tương đương gần 260.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, hệ thống ngân hàng đã bơm khoảng 1,55 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế, tương đương gần 260.000 tỷ đồng mỗi tháng. So với cùng kỳ năm trước, tín dụng tăng hơn 19%, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong ba năm qua.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế nửa đầu năm là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với hơn 23%, tiếp ngay sau đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 17,5%. Cho vay với các lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ đều có mức tăng đáng kể.
Lý giải về việc gói 100.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực nông, lâm thủy sản được giải ngân lên đến hơn 94% mục tiêu, các ngân hàng khẳng định là do khoản vay đúng và trúng nhu cầu.
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết: "Riêng về xuất khẩu lâm sản, thuỷ sản, nguyên liệu chủ yếu trong nước. Do vậy, nhu cầu vốn từ người sản xuất ra nguyên liệu đó đến những doanh nghiệp thu mua để chế biến, xuất khẩu đi đều là nội lực của Việt Nam, triển khai tốt".
Tín dụng giải ngân cho nhóm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng tăng hơn 17,5% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, mới tập trung phần lớn cho vay đầu tư vào hạ tầng. Để gói 500.000 tỷ đồng đến được với nhóm doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ mới, công nghệ lõi, rất cần đến những cơ chế thử nghiệm.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank chia sẻ: "Chúng tôi đang nghĩ chúng ta nên có cơ chế thử nghiệm dạng sandbox, cho vay các doanh nghiệp hơi ngoài khuôn khổ các quy định về tín dụng bây giờ. Ngân hàng chúng tôi cũng sẵn lòng ưu đãi về lãi suất, về cấp vốn, về các điều kiện tín dụng cũng như tài sản đảm bảo".
Để thúc đẩy tín dụng cho 6 tháng cuối năm, ngoài việc thu hút được hơn 7,5 triệu tỷ đồng từ khu vực dân cư, hơn 177.000 tỷ đồng từ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng cũng đẩy mạnh thu hút những dòng vốn ngoại.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Vietcombank nhận định: "Nếu tuân thủ các chuẩn mực quốc tế thì ngân hàng mới có thể phát hành các trái phiếu xanh, trái phiếu phát triển bền vững với lãi suất ưu đãi từ các nhà đầu tư quốc tế, từ đó bổ trợ thêm nguồn vốn huy động trong nước".
Thanh khoản dồi dào, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đã giảm hơn 0,64% so cuối năm ngoái, nợ xấu trong tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước cho biết có thể sẽ điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay.