Thị trường đấu giá đất tại các huyện ven Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại. Tại Thanh Oai, 89 lô đất vừa được đấu giá với mức cao nhất gần 80 triệu đồng/m2 giảm hơn 12% so với cuối năm ngoái.
Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Oai đã tổ chức phiên đấu giá 89 lô đất tại các khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thuộc thôn Văn Quán, xã Đỗ Động vào ngày 15/3.
Các lô đất có diện tích từ 87-161 m2, với mức giá khởi điểm dao động 11-17 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3,2 lần so với phiên đấu giá diễn ra vào tháng 11/2024. Để tham gia đấu giá, người mua cần đặt trước khoản tiền từ 190-360 triệu đồng/lô. Phiên đấu giá được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng, thay vì quy trình ít nhất 6 vòng như năm 2024.
Kết quả, toàn bộ 89 lô đất đều được đấu giá thành công. Mức trúng cao nhất gần 80 triệu đồng/m2, gấp hơn 7 lần giá khởi điểm. Một lô đất hơn 102 m2 đã được chốt giá 8,2 tỷ đồng.
Hầu hết các lô khác có giá trúng thầu dao động từ 52-78 triệu đồng/m2, trong đó lô thấp nhất đạt hơn 51 triệu đồng/m2. So với phiên đấu giá cùng khu vực thôn Văn Quán vào tháng 11/2024, mức giá cao nhất lần này đã giảm hơn 12%, và thấp hơn khoảng 22% so với kỷ lục hơn 100 triệu đồng/m2 tại phiên đấu giá hồi tháng 8/2024.thầu
Thanh Oai là huyện phía Nam Hà Nội, cách trung tâm thành phố hơn 20 km, với dân số trên 200.000 người. Từ giữa quý III năm ngoái, huyện này từng là điểm nóng về đấu giá đất tại Hà Nội.
Xu hướng hạ nhiệt của đất đấu giá tại các huyện ven Hà Nội không phải là hiện tượng hiếm gặp. Cuối tháng 2, 9 lô đất tại huyện Phúc Thọ được đấu giá với mức trúng cao nhất 47 triệu đồng/m2, giảm gần 40% so với phiên đấu giá hồi tháng 9 năm ngoái. Phiên này thu hút hơn 100 người tham gia, giảm hơn một phần ba so với trước đó.
Thị trường đấu giá đất đã bùng nổ trong 4 tháng cuối năm 2024, đặc biệt ở các huyện ven Hà Nội, rồi lan rộng ra nhiều địa phương lân cận. Giá trúng liên tục xác lập kỷ lục mới, có nơi vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2. Thời điểm đó, nhiều hội nhóm và môi giới đã tham gia, tạo nên những cơn sốt giá, thậm chí chào bán chênh lệch hàng trăm triệu đồng mỗi lô ngay sau phiên đấu giá.
Tuy nhiên, tình trạng trả giá cao rồi bỏ cọc cũng xuất hiện ngày càng phổ biến. Mới đây, 22/27 lô đất trúng đấu giá tại quận Hà Đông năm ngoái đã bị người mua bỏ cọc, khiến hơn 7 tỷ đồng tiền cọc phải nộp vào ngân sách sau khi trừ chi phí tổ chức đấu giá.
Ngoài ra, nhiều vụ việc đấu giá bất thường cũng bị xử lý. Đầu tháng 3, đối tượng Phạm Ngọc Tuấn - chủ mưu thao túng đấu giá đất tại Sóc Sơn, đẩy giá lên 30 tỷ đồng/m2 rồi bỏ cọc đã bị tuyên án 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản". Nhóm này đã nâng giá lên mức không tưởng, khiến phiên đấu giá thất bại hoàn toàn.