Giá đỗ ủ chất cấm: 6 cơ sở hoạt động trót lọt suốt nhiều năm

Thục Khuê (t/h) - 01/01/2025

Tất cả 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm vừa bị công an phát hiện tại Đắk Lắk đều chưa từng được kiểm tra hành chính trước đó, dù có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài.

Giá đỗ ủ chất cấm: 6 cơ sở hoạt động trót lọt suốt nhiều năm
Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động "sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh".

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk gửi Bộ NN-PTNT, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh đã phát hiện các cơ sở này sử dụng hóa chất "6-Benzylaminopurine" - một chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam để sản xuất giá đỗ. Hóa chất này, khi vào cơ thể con người, gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe.

Quá trình điều tra cho thấy cả 6 cơ sở sản xuất giá đỗ đều có quy mô lớn, trong đó chỉ có một cơ sở thuộc Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chứng nhận này chỉ đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, không lấy mẫu sản phẩm kiểm nghiệm chất lượng. Các cơ sở còn lại hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không được kiểm tra trong các đợt thanh tra định kỳ hoặc đột xuất trong năm 2024.

Ngày 27-5, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng cơ quan công an tiến hành lấy mẫu kiểm tra tại các cơ sở này. Tổng cộng, 35 mẫu giá đỗ, 6 mẫu hóa chất và 6 mẫu nước ngâm được gửi đi xét nghiệm. Kết quả xác nhận hóa chất cấm được sử dụng có chủ đích để thúc đẩy giá đỗ tăng trưởng nhanh hơn, rút ngắn thời gian sản xuất.

Đáng chú ý, dù chủ của cả 6 cơ sở đã bị khởi tố và bắt tạm giam, các cơ sở này vẫn tiếp tục sản xuất giá đỗ với sản lượng giảm so với trước khi bị kiểm tra. Đại diện các cơ sở khai rằng họ không biết chất mình sử dụng là chất cấm, nhưng kết quả điều tra từ Bộ Công an lại cho thấy ngược lại. Các đối tượng đã cố tình giấu can hóa chất ở các vị trí kín đáo như nhà vệ sinh, kho xưởng hoặc tầng hầm để qua mặt cơ quan chức năng.

Đặc biệt, sản phẩm từ cơ sở Lâm Đạo, nơi được chứng nhận an toàn thực phẩm, đã được cung cấp cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh với sản lượng khoảng 375kg/ngày từ đầu tháng 5. Sau khi phát hiện sản phẩm nhiễm chất cấm, Bách Hóa Xanh lập tức ngừng nhập hàng và thu hồi 343kg giá đỗ để tiêu hủy.

Vụ việc này một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả của các quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay. Các cơ sở sản xuất, dù có dấu hiệu bất thường, vẫn có thể hoạt động suốt thời gian dài mà không bị phát hiện. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng giám sát và thắt chặt các quy định xử lý vi phạm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Bài liên quan
Tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng.
Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và tạm giữ hơn 2 tấn hàng hóa bao gồm mứt và các loại hạt khô không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, khi đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ tại Đà Lạt.
01/01/2025
Trong đợt kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội đã yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động của hai cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh và bánh jambon Thanh Hương vì phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm.
01/01/2025
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản cảnh báo người dân không mua bán, sử dụng 2 loại thuốc giả là Clorocid TW3 và Tetracyclin TW3.
01/01/2025
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thời điểm này, nhiều siêu thị, cửa hàng đã bắt đầu bày bán giỏ quà Tết với đa dạng giá cả và mẫu mã thiết kế.
01/01/2025
Tin mới