Trong bối cảnh làn sóng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cùng với xu hướng chuyển dịch xanh, tiêu dùng xanh ngày càng bùng nổ trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đây cũng là cơ hội để hàng hoá Việt Nam chinh phục những thị trường xanh như châu Âu.
Khối thị trường chung châu Âu bao gồm 27 nước, dân số hơn 740 triệu người, là một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới với. Ðây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với nhiều ngành hàng có thế mạnh như giày dép, dệt may, hàng nông sản, hàng điện tử tiêu dùng...
Theo con số thống kê của Bộ Công thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU trong năm 2024 đã đạt con số ấn tượng là 51,66 tỷ USD, tăng 8,08 tỷ USD so với năm 2023.
Nhóm hàng nông nghiệp cũng ghi nhận thành tựu tích cực, khẳng định vị thế và chất lượng nông sản Việt, điển hình như xuất khẩu hạt tiêu đạt mức tăng trưởng bình quân ấn tượng (32,6%/năm); gạo (23,7%/năm); cà phê (18%/năm).
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), để tận dụng những cơ hội mới này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tái định vị và nâng cấp năng lực xuất khẩu, chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững nhằm bắt kịp các xu thế mới của EU. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động có những bước đi rất chắc chắn trong việc chuyển đổi xanh nhưng bên cạnh đó, vẫn cần có thêm sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các cơ quan chức năng, giới chuyên gia để quá trình này được đẩy mạnh hơn.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)
Liên quan đến tiềm năng chuyển đổi xanh tại Việt Nam, ông Donal Brown, Phó Chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) chia sẻ: “Tại Việt Nam, chúng tôi đã và đang chứng kiến nhiều mô hình hợp tác đầy hứa hẹn, nơi các đối tác công - tư hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ tiếp cận tài chính, áp dụng công nghệ mới và tham gia vào chuỗi giá trị. Những mô hình này đang góp phần xây dựng hệ thống lương thực toàn diện, hiệu quả và bền vững - từ nông trại đến bàn ăn - đồng thời giải quyết những vấn đề then chốt như khả năng chống chịu khí hậu, năng suất và tiếp cận thị trường.”
Ông Donal Brown, Phó Chủ tịch Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD)
Một điểm sáng nữa là người tiêu dùng tại châu Âu đã thay đổi thói quen tiêu dùng, lựa chọn các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường và công bằng xã hội mặc dù sẽ phải trả một mức chi phí cao hơn.
Đó là những nhận định từ anh Tạ Việt Dũng, Co-founder Công ty Viet Straw đã có nhiều năm nghiên cứu về thị trường tiêu dùng châu Âu. Viet Straw là là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sản xuất và xuất khẩu ống hút gạo tự hủy sinh học tại Việt Nam. Sản phẩm này đã có mặt ở hơn 10 quốc gia và phần lớn là ở châu Âu.
Anh Tạ Việt Dũng, Co-founder Công ty Viet Straw
Tuy nhiên, để hành trình chinh phục châu Âu được bền vững, các doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu và đăng ký các chứng nhận quốc tế như Nhãn sinh thái Bắc Âu (Nordic Swan), Tiêu chuẩn hữu cơ EU (EU Organic), Chứng chỉ Fairtrade, Nhãn carbon thấp hay ISO 14001 về quản lý môi trường. Những chứng nhận này không chỉ là “giấy thông hành” vào thị trường Bắc Âu mà còn giúp nâng cao hình ảnh và giá trị sản phẩm Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt khai thác thế mạnh về rau quả nhiệt đới, hạt điều, hồ tiêu, gạo hữu cơ hay chế phẩm từ đậu nành và dừa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu ý về khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Bắc Âu khiến thời gian vận chuyển dài và chi phí logistics cao. Do đó, đầu tư vào công nghệ chế biến sâu như sấy lạnh, cấp đông nhanh, đóng gói thông minh sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng, duy trì chất lượng sản phẩm và giảm tỷ lệ hư hỏng.
Một yếu tố nữa là các tham gia vào chuỗi giá trị năng lượng và công nghệ xanh, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quốc tế để có thêm nhiều cơ hội và kinh nghiệm để học hỏi và phát triển các thương hiệu trong nước./.