Sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay còn đang bị hạn chế, một phần xuất phát từ những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách.
Với gần 1 triệu doanh nghiệp và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực kinh tế tư nhân đang giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam. Những con số ấn tượng như đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách Nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm 82% tổng số lao động) là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của khu vực này. Điều này đòi hỏi sự đối xử bình đẳng và tạo điều kiện hiệu quả để kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển.
Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức đáng kể, phần lớn xuất phát từ những bất cập trong hệ thống thể chế và chính sách. Những rào cản này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân mà còn cản trở mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Do đó, bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng" của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Sự ủng hộ này thể hiện niềm tin và hy vọng vào những thay đổi tích cực, lan tỏa tinh thần đổi mới trong hệ thống chính trị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đóng góp mạnh mẽ hơn vào sự thịnh vượng của đất nước.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đánh giá cao 7 giải pháp của Tổng Bí thư liên quan đến hoàn thiện thể chế và chia sẻ nguồn lực giữa các khu vực kinh tế.
Sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay còn đang bị hạn chế, một phần xuất phát từ những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách.
Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho khối doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, quan điểm về một nền kinh tế cường thịnh dựa trên nội lực của khu vực tư nhân vững mạnh, thay vì chỉ dựa vào khu vực Nhà nước hoặc đầu tư nước ngoài, đã nhận được sự đồng thuận lớn, thể hiện niềm tin vào vai trò tiên phong của doanh nghiệp tư nhân trong đổi mới và phát triển đất nước.
Ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết: “Kinh tế tư nhân bắt đầu phát triển. Cho nên cần một sự định hướng rất rõ ràng của Đảng, của Nhà nước. Và đồng thời cần có được sự nâng đỡ hài hòa, phù hợp và có tính công bằng đối với các nền kinh tế khác”.
Một trong những vấn đề cấp bách được Tổng Bí thư nêu rõ là việc tăng cường bảo đảm quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và thực thi hợp đồng cho doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, sẽ có những biện pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, cũng như xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã chạm đến những vấn đề then chốt, mang tính thực tiễn cao, đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Phan Thông Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh nêu ý kiến: “Chúng tôi sắp tới xây hai nhà máy. Chúng tôi cần những cơ quan Nhà nước có thể giúp chúng tôi xem xét hồ sơ, phê duyệt sớm. Có thể thay vì 3-6 tháng thì có thể mất trong một tháng. Chúng tôi có thể đẩy nhanh vấn đề sản xuất kinh doanh. Thực sự, tư nhân rất tiềm năng, chúng ta chỉ tháo gỡ khó khăn của họ thì họ có thể bùng nổ và phát triển”.
Ông Cấn Văn Lực - Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định: “Tổng Bí thư cũng chỉ ra rất rõ chỉ tiêu cắt giảm 30% liên quan đến thủ tục hành chính, liên quan đến thời gian xử lý hành chính, thời gian xử lý hồ sơ và liên quan đến chi phí, trong đó có cả chi phí không chính thức. Tôi cho rằng, đây là một chỉ đạo rất quyết liệt và có lượng hóa cụ thể”.
Kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng sản xuất, thương mại và dịch vụ, đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự phát triển mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trên thị trường nội địa mà còn vươn tầm ảnh hưởng ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban quản trị Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát cho biết: “Chắc chắn khi có một chủ trương từ Đảng, từ người lãnh đạo cao nhất là Tổng Bí thư, lực lượng kinh tế tư nhân sẽ có thêm niềm tin, sẽ có thêm khát vọng và quyết tâm để tiếp tục đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước”.
Tổng Bí thư đã chỉ rõ vai trò kiến tạo của Nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế, đảm bảo nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước cần giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp, xóa bỏ các rào cản hành chính và cơ chế "xin - cho", tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân có cơ hội phát triển bình đẳng.
Chỉ trong một bài viết hơn 4.000 chữ, Tổng Bí thư đã gửi gắm thông điệp rõ ràng và nhất quán đến cộng đồng doanh nhân hiện tại và tương lai, cũng như toàn xã hội. Thông điệp này khẳng định những cơ hội phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh sẽ tiếp tục được mở rộng, không chỉ trong hiện tại mà còn trong suốt chặng đường phát triển dài hạn của đất nước.