Vừa qua, một nhóm nghiên cứu quốc tế bao gồm Cơ quan khoa học và công nghệ Biển - Trái Đất của Nhật Bản (JAMSTEC) đã phát hiện ra rằng các hạt vi nhựa trôi nổi trong đại dương phân bố sâu rộng, từ gần bề mặt biển đến biển sâu.
Đây là kết quả thống kê từ khoảng 1.900 địa điểm trên khắp thế giới trong giai đoạn 2014 - 2024 bao gồm các vùng biển như Bắc Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Kết quả cho thấy nồng độ vi nhựa ở vùng cửa sông, ven biển cao hơn rất nhiều so với vùng xa bờ, với nồng độ trung bình cao hơn 30 lần so với ngoài khơi. Giới nghiên cứu nhận định, thực vật phù du và sinh vật khác bám vào vi nhựa rồi chìm xuống, khiến chúng lưu lại lâu ở vùng ven biển.
Theo nghiên cứu, vi nhựa (microplastics) là các mảnh nhựa cực nhỏ, có kích thước từ 0,001 đến 5mm, có thể được tạo ra trực tiếp hoặc hình thành trong quá trình phân hủy của các vật dụng nhựa lớn. Những hạt li ti này đã được phát hiện trong thực phẩm, nước uống và thậm chí trong không khí - một thực tế khiến giới khoa học và y tế không khỏi lo ngại.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện mối liên hệ giữa độ sâu và kích thước vi nhựa. Họ thấy rằng những hạt tương đối nhỏ, kích cỡ 1-100 µm (micromet), phân bố rộng và trôi nổi trong nước lâu hơn, từ mặt biển đến độ sâu khoảng 5.000 m. Trong khi đó, các hạt lớn hơn từ 100 µm đến 5 mm chủ yếu chỉ gần mặt biển hoặc chìm xuống đáy biển.
Những kết quả này cho thấy, đại dương đang trở thành một kho chứa vi nhựa khổng lồ. Tuy nhiên, do phương pháp phân tích vi nhựa khác nhau giữa các nhà nghiên cứu nên việc nắm bắt chính xác thực trạng vẫn còn khó khăn. Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu xây dựng phương pháp khảo sát tiêu chuẩn trong thời gian tới để cải thiện độ chính xác.
Trước đó, trong những nghiên cứu đã phát hiện một loại vi khuẩn nguy hiểm bám trên vi nhựa trong sông Loire, có khả năng gây bệnh ở người. Một kết quả bất ngờ khác là 25% số vi nhựa tìm thấy trong các con sông không đến từ rác thải, mà từ nhựa nguyên sinh công nghiệp. Những hạt này - còn được gọi là “giọt lệ của nàng tiên cá” - cũng thường được phát hiện trên các bãi biển sau các tai nạn hàng hải.
Chiến dịch khoa học cộng đồng quy mô lớn, mang tên Plastique à la loupe (Tìm hiểu nhựa), có một không hai trên thế giới, với sự tham gia của 350 lớp học từ các trường trung học cơ sở và phổ thông tại Pháp, tương đương với khoảng 15.000 học sinh mỗi năm tiến hành lấy mẫu ven sông. Việc vi nhựa tồn tại ở mọi độ sâu đại dương và được sinh vật biển hấp thụ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển./.