Đó là vấn đề mà nhiều chuyên gia bàn luận đến trong Hội thảo vừa diễn ra do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức.
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tiêu thụ nước ngọt tăng nhanh chóng mặt, từ 6,6 lít/người/ngày năm 2002 lên 50,7 lít/người/ngày vào năm 2018. Điều này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng cao, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi
PGS.TS Trương Tuyết Mai, phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường không chỉ gây thừa cân, béo phì mà còn là yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch, đột quỵ và ung thư, đặc biệt ở người trẻ tuổi.
Tại hội thảo, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đã cảnh báo về tình trạng tiêu thụ đồ uống có đường quá mức ở giới trẻ. Bà cho biết, không chỉ nước ngọt, mà rất nhiều loại đồ uống khác cũng chứa lượng đường đáng kể, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như thừa cân, béo phì. Tình hình này đòi hỏi chúng ta phải có những hành động quyết liệt để cải thiện tình hình.
Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường không chỉ gây thừa cân, béo phì mà còn là yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
WHO khuyến cáo rằng việc tiêu thụ đường tự do - bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống - nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng, lý tưởng là dưới 5%. Vì vậy, đó là khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành trung bình.
Cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.
Để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, ThS. Nguyễn Tuấn Lâm - Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết hiện nay thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó áp dụng chính sách tăng giá và thuế rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường.
"Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai, nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường", ông Lâm nói.
Quang cảnh buổi họp báo.
TS Nguyễn Thùy Duyên đã đề xuất một số phương án tăng thuế đối với đồ uống có đường, bao gồm thuế theo hàm lượng đường, thuế theo thể tích và thuế theo giá xuất xưởng. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh cần lựa chọn phương án phù hợp nhất để vừa đạt hiệu quả trong việc giảm tiêu thụ, vừa không gây ảnh hưởng quá lớn đến ngành công nghiệp giải khát.
Trong số các phương án thuế, thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường tỏ ra có nhiều ưu điểm. Loại thuế này không chỉ khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm ít đường hơn mà còn thúc đẩy các nhà sản xuất điều chỉnh công thức sản phẩm để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
Ngoài việc áp dụng thuế, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường, bao gồm: bắt buộc ghi nhãn dinh dưỡng, hạn chế quảng cáo, giáo dục dinh dưỡng và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Ngày 25/2/2024 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB và gửi Bộ Tư pháp tiến hành thủ tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.