Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án) đã triển khai 7 mô hình điểm cấp trung ương với kết quả bước đầu khá rõ rệt cả về kinh tế và môi trường.
Sự mở rộng nhanh chóng này đang đặt áp lực không nhỏ lên khâu tiêu thụ. Nếu không có chiến lược đầu ra vững chắc, việc người dân "quay lưng" với mô hình canh tác phát thải thấp vì thiếu lợi nhuận là nguy cơ có thật.
Trước thực trạng đầu ra bấp bênh, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa) đã triển khai chứng nhận “Gạo Việt xanh phát thải thấp” và chính thức ra mắt vào cuối tháng 4/2025. Sáu doanh nghiệp đầu tiên đã nhận quyền sử dụng nhãn hiệu này trong vòng 6 tháng – một bước đi nhằm tạo khác biệt cho hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Về lâu dài, nhãn hiệu này được kỳ vọng trở thành chứng nhận quốc gia, giúp hạt gạo Việt dễ dàng tiếp cận các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông – nơi đang ngày càng ưu tiên nhập khẩu nông sản "xanh", đáp ứng tiêu chí ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển – cho rằng, để chinh phục thị trường khó tính Bắc Âu, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào minh bạch hóa chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc và đạt các chứng chỉ ESG quốc tế. Đây cũng chính là những tiêu chí mà Đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang hướng đến.
Việt Nam đang có cơ hội vàng để định vị lại giá trị hạt gạo trên thị trường toàn cầu – không chỉ là “gạo ngon” mà còn là “gạo xanh”, “gạo bền vững”. Nhưng để thành công, cần hành động đồng bộ hơn nữa từ chính sách, tín dụng đến thương mại – đặc biệt là đảm bảo đầu ra ổn định để nông dân yên tâm theo đuổi mô hình canh tác lúa phát thải thấp./.