TP.Hồ Chí Minh kiến nghị cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp khoản tiền tương đương, thay vì phải bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội như quy định hiện hành.
UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị gửi Ban Thường vụ Đảng ủy UBND thành phố, đề xuất chấp thuận phương án của Sở Xây dựng cho phép các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không cần bố trí 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
Thay vào đó, chủ đầu tư có thể thực hiện nghĩa vụ bằng cách nộp khoản tiền tương đương với giá trị phần quỹ đất này hoặc bố trí nhà ở xã hội tại vị trí khác.
Đề xuất này áp dụng với các dự án có tính chất đặc thù, như: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 không có đất ở là chung cư; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 chỉ có một khối chung cư hoặc nhiều khối nhưng cùng chung khối đế; hoặc diện tích 20% đất không đủ điều kiện tách thành một dự án nhà ở xã hội độc lập.
Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh lý giải, Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024 đã quy định 3 hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội, gồm: Bố trí quỹ đất trong dự án, bố trí tại khu vực khác, hoặc nộp tiền. Việc chọn hình thức nào sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định.
Hiện nay, quy định về quy mô dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất xây nhà ở xã hội đã được bãi bỏ.
Là đô thị đặc biệt, TP.Hồ Chí Minh chỉ phát triển nhà ở xã hội dưới dạng chung cư, không có nhà ở riêng lẻ. Vì vậy, việc không bố trí 20% quỹ đất trong các dự án thương mại được xem là phù hợp.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đề xuất tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quỹ đất 20% trong dự án thương mại. HoREA cho rằng, việc bố trí nhà ở xã hội trên quỹ đất này là không khả thi nếu nằm trong khu đô thị cao cấp, vì giá thành sẽ vượt khả năng chi trả của đối tượng mua nhà ở xã hội.
Hiệp hội dẫn chứng một dự án tại TP. Thủ Đức: Phần quỹ đất giao làm nhà ở xã hội có giá nhà nước là 73 triệu đồng/m2, còn giá thị trường vượt 100 triệu đồng/m2. Nếu xây nhà ở xã hội trên phần đất này, giá bán sẽ quá cao, vượt xa khả năng chi trả.
Tại các tuyến đường trung tâm như Đồng Khởi, bảng giá đất điều chỉnh là 687 triệu đồng/m2, dẫn đến giá thành nhà ở xã hội có thể lên đến 200-300 triệu đồng/m2, cao hơn cả nhà ở thương mại thông thường.
Do đó, HoREA kiến nghị cho phép chủ đầu tư nộp tiền hoặc bố trí quỹ đất ở vị trí khác, để TP.Hồ Chí Minh có thể sử dụng nguồn lực này đầu tư quỹ đất phù hợp, xây dựng nhà ở xã hội đúng đối tượng với giá hợp lý hơn.
Theo chỉ tiêu của Chính phủ, TP.Hồ Chí Minh cần hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Hiện tại, thành phố mới hoàn thành 6 dự án, cung cấp 2.745 căn. Trong năm 2025, TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hoàn thành 3 dự án với 2.316 căn hộ, khởi công 8 dự án (khoảng 8.000 căn) và chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án khác, với quy mô khoảng 20.000 căn.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang rà soát quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tập trung, cập nhật vào quy hoạch chung, song song với việc tiếp tục áp dụng chính sách điều tiết quỹ đất trong các dự án thương mại.