Năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp thuỷ sản lớn thứ 2 cho Brazil, chiếm 17,33% về lượng và chiếm 8,69% về trị giá trong tổng nhập khẩu thủy sản của quốc gia này.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2024, Brazil đã tăng cường nhập khẩu thủy sản từ nhiều thị trường trên thế giới, đạt 291,6 nghìn tấn với trị giá 1,57 tỷ USD, tăng lần lượt 8,1% và 10,4% so với năm 2023. Đáng chú ý, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, đạt 50,5 nghìn tấn, trị giá 136,6 triệu USD, tăng 53,8% về lượng và 38,6% về trị giá so với năm trước.
Theo số liệu từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 2/2025 đạt mức tăng trưởng ấn tượng 44,5% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 655,02 triệu USD. Tính chung hai tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, chiếm 52,33% tổng kim ngạch xuất khẩu, và đều ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024.
Các chuyên gia nhận định rằng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Anh, Canada, Đức, Nga, Brazil... cũng ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới, nhờ nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhiều thị trường vẫn đang gia tăng.
Năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp thuỷ sản lớn thứ 2 cho Brazil, chiếm 17,33% về lượng và chiếm 8,69% về trị giá trong tổng nhập khẩu thủy sản của quốc gia này.
Hai tháng đầu năm 2025 ghi nhận những tín hiệu khả quan trong hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó tôm tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu. Với kim ngạch xuất khẩu đạt 542,387 triệu USD, tôm đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 30,8%.
Trong tháng 2/2025, xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 33,9%, đạt 231,406 triệu USD. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu các mặt hàng khác lại có sự biến động. Cá tra đạt 253,241 triệu USD trong hai tháng đầu năm, nhưng giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2024. Xuất khẩu cá ngừ cũng giảm nhẹ 3,5% trong hai tháng đầu năm, đạt 126,481 triệu USD, mặc dù riêng tháng 2/2025 ghi nhận mức tăng trưởng 15,9%, đạt 59,986 triệu USD.
Các nhóm sản phẩm như cá các loại khác (302,783 triệu USD, tăng 13,6%), mực và bạch tuộc (101,009 triệu USD, tăng 13,8%), nhuyễn thể có vỏ (39,089 triệu USD, tăng 121,6%) và cua ghẹ (62,762 triệu USD, tăng 86,1%) đều cho thấy tiềm năng lớn.
Với đà tăng trưởng hiện tại, cùng với sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường. Đặc biệt, tập trung nâng cao trình độ chế biến sâu, đây là cơ sở để xuất khẩu thủy sản Việt Nam đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025 khi tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD.