Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố số liệu cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt gần 277 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế Việt Nam phát đi nhiều tín hiệu tích cực
Theo báo cáo của Cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4/2025 ước đạt 37,45 tỷ USD, giảm nhẹ 2,8% so với tháng trước nhưng tăng mạnh 19,8% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ghi nhận 40,74 tỷ USD, tăng 18,1% và chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 99,6 tỷ USD, tăng 11% và chiếm tới 71%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò chủ lực, với kim ngạch đạt khoảng 123,71 tỷ USD, chiếm 88,2% tổng xuất khẩu. Đây là nhóm hàng có giá trị gia tăng cao, thể hiện sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4/2025 đạt 36,87 tỷ USD, tương đương với tháng trước và tăng tới 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 136,55 tỷ USD, tăng 18,6%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 51,26 tỷ USD, tăng 21,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,29 tỷ USD, tăng 17,1%.
Báo cáo mới công bố từ Cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tăng 0,07% so với tháng trước. CPI tháng 4 tăng 1,37% so với tháng 12/2024; tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong 11 nhóm hàng, có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm hàng giảm giá. Trong 9 nhóm hàng tăng giá, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng có mức tăng lớn nhất 14,19%, làm CPI chung tăng 0,76 điểm phần trăm.
Xét về cơ cấu, nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối, với kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 128,17 tỷ USD, tương đương 93,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Điều này phản ánh nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước tiếp tục ở mức cao.
Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 4 tiếp tục ghi nhận xuất siêu 0,58 tỷ USD. Tính chung cả 4 tháng đầu năm 2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD – tuy thấp hơn mức 9,06 tỷ USD cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là tín hiệu tích cực cho hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn đang gặp khó khăn.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tận dụng lợi thế từ 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, cần tăng cường khai thác các cơ chế hợp tác song phương với hơn 70 đối tác để mở rộng thị trường và giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Ngoài ra, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chủng loại sản phẩm là chiến lược cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt. Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, Chính phủ cần tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có việc đẩy mạnh thâm nhập các thị trường lớn và tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết.
Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản kỹ thuật cần được triển khai đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, lâm sản và thủy sản./.