Gần một nửa dân số trưởng thành tại Úc đang sống chung với tình trạng cholesterol cao mà không hề hay biết. Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc điều chỉnh lối sống ngay từ hôm nay là chìa khóa để kiểm soát cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim mạch và đột quỵ
Cholesterol là một dạng chất béo có trong máu, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tế bào, sản xuất hormone và vitamin D. Tuy nhiên, nếu lượng cholesterol trong máu vượt quá mức cần thiết, đặc biệt là cholesterol xấu (LDL), sẽ dễ gây ra các bệnh tim mạch nghiêm trọng. Trong khi đó, cholesterol tốt (HDL) lại có vai trò bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng cách loại bỏ LDL ra khỏi máu.
Theo chuyên gia từ Heart Foundation, tình trạng cholesterol cao được ví như "kẻ giết người thầm lặng" vì nhiều người không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xảy ra biến cố tim mạch. Có đến 6,5 triệu người Úc đang sống với cholesterol cao, và con số thực tế có thể còn lớn hơn. Nếu bạn đang lo ngại về sức khỏe tim mạch của mình, hãy bắt đầu bằng việc thay đổi những thói quen dưới đây – theo lời khuyến nghị của các bác sĩ tim mạch.
Trước hết, chế độ ăn uống là yếu tố then chốt. Ăn quá nhiều chất béo bão hòa – thường có trong thịt đỏ, bơ, pho mát và các sản phẩm từ động vật – có thể khiến lượng LDL trong máu tăng cao. Chuyên gia tim mạch Jason Kovacic từ Viện Nghiên cứu Tim mạch Victor Chang nhấn mạnh: giảm tiêu thụ chất béo bão hòa và thay thế bằng ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, protein thực vật là một trong những bước đầu tiên để kiểm soát cholesterol.
Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống ít vận động cũng là yếu tố nguy cơ. Tập thể dục đều đặn không chỉ giúp tăng HDL mà còn hỗ trợ giảm LDL và kiểm soát cân nặng – một yếu tố liên quan trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Các chuyên gia khuyến nghị nên dành từ 2,5 đến 5 giờ mỗi tuần cho các hoạt động thể chất có cường độ vừa phải, lý tưởng là phân bổ đều vào hầu hết các ngày trong tuần.
Thừa cân hoặc béo phì cũng là một nguyên nhân làm tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt. Theo Giáo sư Kovacic, cân nặng tăng đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, tăng mỡ máu và các bệnh lý tim mạch. Béo phì không chỉ là vấn đề ngoại hình mà còn phản ánh một lối sống thiếu lành mạnh: ít vận động, ăn uống không kiểm soát, căng thẳng kéo dài.
Nói đến căng thẳng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa stress và sự gia tăng mức cholesterol trong máu. Dù cơ chế vẫn chưa được xác định rõ, một số giả thuyết cho rằng các hormone do căng thẳng sản sinh có thể kích thích gan tạo ra nhiều cholesterol hơn. Ngoài ra, stress cũng khiến nhiều người tìm đến thực phẩm nhiều chất béo, rượu bia và thuốc lá như một cách "giải tỏa" – vô tình làm tăng thêm nguy cơ bệnh tim mạch.
Hút thuốc cũng là một yếu tố đáng báo động. Các hóa chất độc hại trong khói thuốc lá gây tổn thương thành mạch máu, khiến cholesterol dễ dàng bám vào và hình thành mảng bám trong động mạch. Theo các chuyên gia, từ bỏ thuốc lá là một trong những hành động có lợi nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe tim mạch – không chỉ đối với bản thân mà còn cả những người xung quanh.
Cuối cùng là việc tiêu thụ rượu bia quá mức. Uống rượu không kiểm soát có thể làm tăng LDL và chất béo trung tính – một dạng chất béo phổ biến khác trong cơ thể. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Chuyên gia từ Heart Foundation khuyến cáo: nếu uống rượu, hãy đảm bảo không vượt quá 10 ly tiêu chuẩn mỗi tuần và không quá 4 ly trong một ngày bất kỳ.
Việc kiểm soát cholesterol không chỉ là chuyện dùng thuốc hay khám định kỳ. Quan trọng hơn cả là bạn cần chủ động điều chỉnh những thói quen tưởng chừng vô hại trong cuộc sống hằng ngày. Và đôi khi, chỉ cần bắt đầu bằng một bữa ăn lành mạnh, một buổi đi bộ, hay một lần nói "không" với thuốc lá – bạn đã làm được điều rất lớn cho trái tim của mình./.