Tại nhiều địa phương trên cả nước, dự trữ hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng đến 80%.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cơ bản có thể đáp ứng nguồn cung thịt lợn, gà, trứng gia cầm, thuỷ sản (cá). Đối với các loại nông sản, đặc sản và các thực phẩm khác, Thành phố sẽ nhập từ các tỉnh, Thành phố khác…
Tại TP. Hồ Chí Minh, các siêu thị lớn đã tăng cường dự trữ hàng hóa từ 20 - 50% so với ngày thường. Đặc biệt, năm nay người dân TP. Hồ Chí Minh có thể tiếp cận hàng ngàn đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng miền trên cả nước thông qua nhiều hệ thống phân phối như Co.opmart, BigC, Satra, MM Mega Market.
Theo Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tại các đơn vị phục vụ bình ổn thị trường Tết đều tăng từ 50-80% so với số lượng đăng ký trước đó; tăng từ 10-30% so với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết đa dạng và phong phú, như: hàng điện tử, điện máy, vải sợi, quần áo may sẵn, đồ nhôm, đồ nhựa... Trong số đó, nhiều mặt hàng do địa phương sản xuất như: tôm khô, bánh mứt, dưa hấu, nước đóng chai, lạp xưởng, patê - chả lụa, hoa kiểng, rau màu... cũng có sự chuẩn bị chu đáo.
Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh Phạm Phước Trãi cho biết, để đảm bảo đầy đủ các mặt hàng phục vụ cho người dân đón Tết, với giá cả ổn định, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, Sở Công Thương chỉ đạo các siêu thị, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tổ chức 5 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn và các chuyến bán hàng lưu động tại huyện Trà Cú, Càng Long, Cầu Kè, Duyên Hải, Châu Thành, Tiểu Cần và xã Long Đức, gắn với các chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhằm hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Hoạt động nhằm cân đối cung cầu hàng hóa, hạn chế hành vi găm hàng, tăng giá, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng, giá phù hợp.
Ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết, ngành công thương đang theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa và khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh; chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, tạo nguồn hàng phục vụ Tết; xây dựng các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ Nhân dân và tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Theo đó, tại các huyện, thị xã bố trí từ 1 đến 2 điểm bán hàng bình ổn giá, riêng thành phố Việt Trì có từ 25 đến 30 điểm bán hàng bình ổn giá, tổng số điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 60 điểm. Tại các điểm bán hàng bình ổn giá, các mặt hàng được sắp xếp, trang trí đảm bảo văn minh thương mại; hàng hóa được niêm yết giá, bày bán trên giá kệ, sắp xếp thuận tiện cho việc mua bán và có bảng niêm yết giá bán các mặt hàng trong chương trình./.