Chiều 2/7, tại Họp báo thường kỳ quý II/2025 do Bộ Tài chính tổ chức, ông Mai Sơn – Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, từ năm 2026, hộ kinh doanh sẽ được phân loại theo 4 nhóm doanh thu thay cho hình thức thuế khoán hiện hành. Việc thay đổi này nhằm minh bạch hóa nghĩa vụ tài chính, đảm bảo công bằng giữa các thành phần kinh tế.
Theo ông Mai Sơn, ngày 26/6 vừa qua, Cục Thuế đã ban hành văn bản lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có đề xuất xóa bỏ thuế khoán từ ngày 1/1/2026, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đại diện Cục Thuế cho biết, việc bãi bỏ thuế khoán nhằm minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thu hẹp chênh lệch giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo công bằng với người làm công ăn lương. Thực tế hiện nay, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ như các quầy hàng, hộ buôn bán tại chợ truyền thống dù có doanh thu dưới hoặc chỉ nhỉnh hơn ngưỡng chịu thuế, vẫn đang phải đóng thuế khoán cố định.
Để thay thế cho phương pháp thuế khoán, Dự thảo Luật Quản lý thuế đề xuất chia hộ và cá nhân kinh doanh thành 4 nhóm dựa trên quy mô doanh thu, đồng thời áp dụng các phương pháp quản lý phù hợp cho từng nhóm.
Cụ thể, nhóm 1 bao gồm các hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế, tức dưới 200 triệu đồng/năm. Nhóm 2 bao gồm các hộ có doanh thu từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm. Hai nhóm này sẽ được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử sau khi bỏ thuế khoán. Trong đó, nhóm 2 dự kiến sẽ có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong giai đoạn 2027–2028. Đồng thời, cả hai nhóm sẽ chỉ cần sử dụng hình thức ghi chép thu chi đơn giản thông qua mẫu sổ kế toán (hoặc phần mềm) do Bộ Tài chính cung cấp.
Nhóm 3 bao gồm các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu từ 1–3 tỷ đồng/năm; và trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu từ 1–10 tỷ đồng/năm. Còn lại là nhóm 4 gồm các hộ có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.
Theo phân loại này, nhóm 3 và nhóm 4 sẽ thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, nhóm 3 dự kiến sẽ thực hiện chế độ kế toán đơn giản, còn nhóm 4 sẽ áp dụng chế độ kế toán tương tự như đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đang xem xét đề xuất nâng mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân lên ít nhất gấp đôi ngưỡng hiện hành (tức từ mức 200 triệu đồng/năm lên 400 triệu đồng/năm). Đồng thời, tỷ lệ phần trăm thuế thu nhập cá nhân đối với hộ, cá nhân kinh doanh cũng sẽ được điều chỉnh theo quy mô doanh thu. Những kiến nghị này đi kèm với đề xuất sửa đổi một số chính sách pháp luật liên quan, nhằm hỗ trợ hộ và cá nhân kinh doanh phát triển ổn định.
Phó Cục trưởng Mai Sơn nhấn mạnh rằng các nội dung nêu trên hiện mới là đề xuất dự kiến. Trong thời gian tới, Cục Thuế sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, các hiệp hội và chuyên gia để hoàn thiện khung quản lý, báo cáo Bộ Tài chính và trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Hiện tại, các hộ kinh doanh đang thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, việc thu và nộp lệ phí môn bài sẽ chính thức chấm dứt từ ngày 1/1/2026. Như vậy, sau khi bỏ thuế khoán, hộ và cá nhân kinh doanh vẫn sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Trước đó, tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 19/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định chủ trương xóa bỏ thuế khoán là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với định hướng Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để ban hành quy định doanh thu tính thuế phù hợp, vừa tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ kinh doanh nhỏ, vừa đảm bảo mục tiêu an sinh. Theo ông, cần áp dụng linh hoạt các loại thuế đối với hộ kinh doanh nhỏ, tránh gây áp lực lớn, đồng thời đảm bảo không thất thu ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, với những hộ có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm và có địa điểm kinh doanh cố định, nên chuyển sang áp dụng hóa đơn để đảm bảo tính minh bạch, tăng cường chống thất thu thuế, và tạo điều kiện để những hộ kinh doanh này lớn mạnh, từng bước chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp. Ngược lại, đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 1 tỷ đồng, nên tiếp tục áp dụng phương pháp khoán vì nếu buộc phải xuất hóa đơn, họ sẽ gặp bất lợi do không có hóa đơn đầu vào để khấu trừ thuế.