Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội tình trạng nhà ở xã hội vẫn thiếu, nguồn cung tiếp tục khan hiếm

Phương Linh (T.H) - Thứ năm, ngày 15/05/2025 15:36 GMT+7

Thị trường bất động sản tiếp tục lao đao vì thiếu nguồn cung kéo dài, mất cân đối phân khúc và đặc biệt là sự khan hiếm nghiêm trọng nhà ở cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội tình trạng nhà ở xã hội vẫn thiếu, nguồn cung tiếp tục khan hiếm
Nguồn cung khan hiếm nhiều năm liền đang đẩy giá nhà chung cư tại Hà Nội, TP.HCM cao bất thường.

Tháo gỡ pháp lý, khơi thông hơn 200 dự án bất động sản

Đây là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng gửi tới Quốc hội và các đại biểu trong báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết liên quan đến hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề chất vấn.

Theo Bộ Xây dựng, tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở kéo dài bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong thủ tục đầu tư, đặc biệt là vướng mắc trong việc tiếp cận vốn, phát hành trái phiếu và huy động vốn từ khách hàng. Những trở ngại này buộc nhiều doanh nghiệp phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai dự án.

Để tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, thời gian qua, Quốc hội đã sửa đổi 3 luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, đấu thầu và kinh doanh bất động sản. Nhờ đó, nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tiến độ triển khai trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng để trực tiếp rà soát, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản tại nhiều địa phương.

Tổ công tác này đã làm việc trực tiếp với 8 địa phương gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận và Bình Định, đồng thời gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe báo cáo, rà soát từng dự án và hướng dẫn xử lý vướng mắc cụ thể.

Kết quả, tổ công tác đã xử lý 188 kiến nghị liên quan đến 203 dự án bất động sản. Ngoài ra, tổ cũng đã gửi 137 văn bản tới UBND các tỉnh, thành và 14 văn bản đến các bộ ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để đề nghị giải quyết các kiến nghị theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao.

Định hình lại thị trường bất động sản từ gốc: Tăng cung, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh nhà ở xã hội

Bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án nhằm gia tăng nguồn cung bất động sản, từ năm 2023 đến nay, Bộ Xây dựng còn chủ động đề xuất nhiều giải pháp để tái cơ cấu toàn diện thị trường.

Cụ thể, vào tháng 4/2023, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đang triển khai 657 dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô hơn 597.000 căn. Trong số này, đã có khoảng 66.700 căn hoàn thành, 124.300 căn đang được khởi công xây dựng và 406.000 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Các chính sách này hướng đến việc rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư - xây dựng - thẩm định giá bán - cho thuê, từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và giảm giá bán nhà ở xã hội.

Song song đó, Bộ Xây dựng cũng đang rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức kỹ thuật đối với nhà ở xã hội như chiều cao, diện tích khu bếp, khu sinh hoạt chung, vật liệu xây dựng… Đồng thời nghiên cứu thiết kế các mẫu nhà phù hợp từng vùng miền, sử dụng kết cấu lắp ghép, cấu kiện thép và bê tông nhằm xây dựng đồng loạt, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.

Ngoài ra, Bộ cũng đang thiết lập cơ chế để doanh nghiệp nhà nước tham gia chuyên biệt trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc thí điểm giao đất không qua đấu giá, đấu thầu cho các doanh nghiệp này.

Theo bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, nếu Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm, các dự án nhà ở xã hội sẽ được áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư. Thời gian thực hiện thủ tục các dự án cũng sẽ được rút ngắn từ khoảng 3 năm xuống còn 1,5 năm. Đồng thời, mức lợi nhuận cho chủ đầu tư cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 10% lên 13% chi phí, góp phần nâng cao sức hấp dẫn đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Bài liên quan
8 dự án sân golf với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nằm trong danh mục thu hút đầu tư tại Quảng Ninh giai đoạn 2025 - 2030.
8 dự án sân golf với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nằm trong danh mục thu hút đầu tư tại Quảng Ninh giai đoạn 2025 - 2030.
TP.Hồ Chí Minh kiến nghị cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp khoản tiền tương đương, thay vì phải bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội như quy định hiện hành.
15/05/2025
Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) vừa tổ chức đấu giá thành công 22 lô đất ở tại 2 xã Hợp Tiến và Lê Thanh, giá trúng cao nhất là 25,3 triệu đồng/m².
15/05/2025
Trong số 270 hộ dân vắng mặt khi kiểm tra, đến nay đã có 209 hộ đến làm việc, 15 hộ đã trả lại nhà ở xã hội, 11 hộ xin trả trong thời gian tới.
15/05/2025
Khu thương mại tự do tại TP. Hải Phòng say khi được thành lập sẽ áp dụng nhiều cơ chế và chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư.
15/05/2025
Tin mới