VTV.vn - Mùa thu đông ít ánh sáng mặt trời hơn vì thế việc hấp thụ vitamin D cần có sự điều chỉnh.
Vitamin D là vi chất cần thiết cho xương khỏe mạnh. Hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời là cách làm phổ biến, thời gian thích hợp từ khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 đến cuối tháng 9.
Khi mùa thu - đông tới, thời gian da tiếp xúc với ánh nắng giảm dần, cơ thể có nguy cơ đối diện với tình trạng thiếu Vitamin D, được biểu hiện qua các dấu hiệu như thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, dễ bị ốm, đau xương, dáng đi không vững do cơ yếu, co thắt cơ và đôi khi ngứa ran và tê khắp cơ thể. Theo thời gian, việc không nhận đủ Vitamin D có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt, tạo nên các vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe, nhất là với xương khớp, tăng nguy cơ các vấn đề về tim, hen suyễn và các bệnh phổi mãn tính...
Một số cách để bổ sung Vitamin D trong thời gian thiếu nắng mặt trời như sau:
- Chọn lựa các thực phẩm giàu Vitamin D: các loại cá ngừ, cá trích, cá mòi, lòng đỏ trứng gà và sữa là nguồn bổ sung khá tốt lượng Vitamin D cần thiết cho cơ thể.
Vitamin D có trong nhiều loại thực phẩm như cá, trứng, sữa, nấm... (Ảnh: Adobe Stock)
- Bổ sung Vitamin D theo hàm lượng phù hợp, có sự chỉ dẫn an toàn của bác sĩ: Nếu được xác định thiếu Vitamin D, để phục hồi, bạn sẽ cần khoảng 6.000 IU Vitamin D3 mỗi ngày (hoặc 50.000 IU mỗi tuần) trong tám tuần. Sau đó, khi đạt đến mức khỏe mạnh, có thể duy trì bằng cách dùng 1.000 đến 2.000 IU mỗi ngày.
- Ra ngoài vào thời điểm ánh sáng mặt trời đạt mức tối đa: Ngay cả vào ngày nhiều mây hoặc mưa, tia nắng mặt trời vẫn có thể mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Mức vitamin D có thể được cải thiện ngay cả khi bạn chạy bộ, đi bộ trong thời tiết nhiều mây, mưa, hoặc mặc áo dài tay khi trời mát. Lựa chọn vận động ngoài trời còn có tác dụng cho sức khỏe tinh thần, giúp cơ thể cảm thấy thoải mái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!