Cảnh báo viêm não tự miễn ở trẻ: Phát hiện sớm để tránh nguy cơ tử vong và di chứng nặng nề

Thục Khuê (t/h) - Thứ ba, ngày 15/04/2025 06:45 GMT+7

Viêm não tự miễn là bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng và để lại nhiều di chứng nghiêm trọng ở trẻ nếu không được phát hiện sớm. Bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn hành vi, ngôn ngữ, trí nhớ, co giật và có thể tiến triển nhanh chóng.

Cảnh báo viêm não tự miễn ở trẻ: Phát hiện sớm để tránh nguy cơ tử vong và di chứng nặng nề
Ảnh minh hoạ

Viêm não tự miễn là tình trạng tổn thương não do hệ miễn dịch tấn công chính các tế bào thần kinh của cơ thể. Đây không phải là bệnh phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên trong những năm gần đây, số ca bệnh có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân một phần là nhờ vào sự phát triển của các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại, đặc biệt là xét nghiệm kháng thể đặc hiệu trong dịch não tủy và huyết thanh, giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi năm ghi nhận từ 60 đến 120 ca viêm não tự miễn ở trẻ em. Đây là căn bệnh có diễn tiến nhanh và phức tạp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể rơi vào tình trạng hôn mê sâu hoặc tử vong. Theo các báo cáo y khoa quốc tế, tỷ lệ tử vong do viêm não tự miễn dao động từ 6 - 19%.

Nguyên nhân chính xác gây bệnh hiện vẫn chưa được xác định rõ, nhưng các chuyên gia sức khỏe cho biết có thể liên quan đến yếu tố di truyền, cơ địa dị ứng – miễn dịch, tác nhân kích hoạt như nhiễm virus trước đó, rối loạn hệ miễn dịch tự nhiên, hoặc đôi khi không thể tìm thấy nguyên nhân cụ thể.

Bệnh có thể khởi phát từ từ trong vòng vài tuần đến 3 tháng, với những biểu hiện ban đầu như thay đổi hành vi tâm thần, rối loạn nhận thức, ít nói dần cho đến mất ngôn ngữ, co giật, rối loạn giấc ngủ, cử động bất thường. Một số trường hợp có thể kèm theo sốt nhưng cũng có trẻ không sốt, khiến phụ huynh dễ chủ quan.

Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, trẻ vẫn có cơ hội phục hồi tốt. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, bệnh có thể để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Di chứng thường gặp gồm động kinh, yếu liệt chi, suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi, cảm xúc, rối loạn vận động như co cứng cơ, và trong những trường hợp nặng có thể dẫn đến sa sút trí tuệ, hôn mê sâu, suy hô hấp và tử vong.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường về hành vi, ngôn ngữ, vận động hoặc nhận thức. Việc đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh nhi càng sớm càng tốt sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, cải thiện tiên lượng bệnh, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí và tâm lý cho gia đình./.

Bài liên quan
Dự thảo nghị quyết mới quy định 10 khoản thu và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục công lập tại TP Hồ Chí Minh đang được lấy ý kiến, hướng tới thống nhất thực hiện từ năm học 2025–2026.
Dự thảo nghị quyết mới quy định 10 khoản thu và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục công lập tại TP Hồ Chí Minh đang được lấy ý kiến, hướng tới thống nhất thực hiện từ năm học 2025–2026.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa yêu cầu thu hồi và tiêu hủy 4 lô Dầu mù u Thái Dương trên toàn quốc sau khi phát hiện các sản phẩm này không rõ nguồn gốc và không đạt tiêu chuẩn chất lượng về thể tích.
15/04/2025
Nâng hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, thêm lựa chọn cấp thẻ điện tử,… là loạt điểm mới trong Nghị định 188 vừa được Chính phủ ban hành.
15/04/2025
AI đang khẳng định được tầm quan trọng và định hình lại tương lai ngành y tế. Một chương trình giáo dục về AI cho 15.000 nhân viên y tế tại Việt Nam đang được triển khai để nâng cao tay nghề và năng suất lao động của các cán bộ ngành Y.
15/04/2025
Hai loại kem chống nắng Vitamin C và Sun Cream vừa bị phát hiện là hàng giả do có chỉ số SPF đạt mức dưới 70% so với công bố ghi trên bao bì.
15/04/2025
Tin mới