Chặn đứng chiêu trò “tốt giả”: Bảo vệ thị trường, giữ vững lòng tin

Kate Trần - Thứ năm, ngày 17/07/2025 17:33 GMT+7

Không ít doanh nghiệp đang tìm cách lách luật, tự gắn mác chứng nhận, làm giả báo cáo kiểm nghiệm, tạo vỏ bọc chất lượng cao cho sản phẩm nhưng thực chất là "hàng tốt giả". Những hành vi đánh bóng hình ảnh một cách gian dối này không chỉ làm méo mó môi trường kinh doanh, đánh lừa người tiêu dùng mà còn đe dọa nghiêm trọng đến uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chặn đứng chiêu trò “tốt giả”: Bảo vệ thị trường, giữ vững lòng tin
Ảnh: VTV

Mặt hàng tốt... chỉ trên nhãn mác

Tình trạng doanh nghiệp tự ý sử dụng các nhãn mác "chứng nhận chất lượng", "chuẩn quốc tế", hoặc giả mạo các kết quả thử nghiệm để đánh bóng sản phẩm không còn là hiện tượng lẻ tẻ. Theo thông tin tổng hợp từ nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong các năm gần đây, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhiều hành vi gian lận, tạo dựng hình ảnh sản phẩm "tốt giả" được phát hiện trong nhiều nhóm ngành hàng trong thời gian qua, phổ biến như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị điện gia dụng, vật tư y tế…Các chiêu trò thường thấy là doanh nghiệp tự gắn nhãn "đã kiểm nghiệm lâm sàng", dùng logo tổ chức quốc tế không được phép, hoặc công bố sản phẩm dựa trên hồ sơ giả mạo. Thậm chí, không ít trường hợp doanh nghiệp lập cả báo cáo thử nghiệm giả, giả mạo hồ sơ công bố sản phẩm để đưa hàng kém chất lượng ra thị trường. Một số còn tự tạo website giả…

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước xử lý hơn 40.000 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Nổi bật là tình trạng hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Điển hình là vụ việc được phanh phui từ đầu tháng 5 của Phòng cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội - triệt phá thành công ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế tại Khu đô thị Xa La và thu giữ trên 100 tấn thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả. Đối tượng đã tự tạo ra công thức của các sản phẩm, mua vật liệu trong nước rồi chuyển về xưởng, giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn thành các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng. Không những vậy, nhãn mác trên sản phẩm giả này đều được gắn mác Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ...và được các đối tượng sản xuất, tiêu thụ từ năm 2020 tại nhiều hiệu thuốc và bệnh viện.

giả.jpg

Kẹo rau củ Kera bị phát hiện có nhiều thành phần không giống như công bố trên tem nhãn.

Hệ quả của tất cả các chiêu trò gian dối là người tiêu dùng bị đánh lừa bởi những ngôn ngữ tiếp thị chuyên nghiệp nhưng hoàn toàn không có kiểm chứng. Không ít người mua phải mỹ phẩm gắn mác "organic từ Pháp", thực phẩm chức năng "chuẩn Hoa Kỳ" – nhưng thực chất là sản phẩm sản xuất trong nước, không được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Tình trạng này không chỉ tạo ra cạnh tranh không lành mạnh mà còn làm giảm niềm tin vào hàng Việt, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước đang tìm cách mở rộng ra thị trường quốc tế", chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá.

Theo ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Phát triển Thị trường trong nước khẳng định, hiện nay, lực lượng đã và đang rà soát trên 1.000 danh sách website, gian hàng có hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử…nếu phát hiện vi phạm, Cục sẽ kiên quyết xử lý trên tinh thần không có vùng cấm".

Công nghệ số - vũ khí mới trong cuộc chiến chống "tốt giả"

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và xác thực sản phẩm đang trở thành giải pháp hàng đầu trong kiểm soát chất lượng. Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thông tin, ngành Công thương đang thúc đẩy mạnh mẽ cơ sở dữ liệu quốc gia về chứng nhận, kiểm định sản phẩm, trong đó có liên kết với các phòng thử nghiệm uy tín. Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại quét mã QR để kiểm tra thật - giả, tra cứu chứng nhận và phản ánh trực tiếp khi có nghi ngờ gian lận".

Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee…cũng đã được yêu cầu phối hợp chặt với cơ quan chức năng trong việc gỡ bỏ sản phẩm có dấu hiệu gian lận chất lượng, đồng thời phát triển công cụ tự động phát hiện sản phẩm gắn mác "chứng nhận không xác thực".

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, công nghệ chỉ là công cụ. Quan trọng nhất vẫn là siết chặt chế tài. Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã quy định mức phạt lên tới 100 triệu đồng cho hành vi gian dối về chất lượng, nhưng thực tế việc xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Nhiều doanh nghiệp vi phạm lặp đi lặp lại với chi phí "lách luật" thấp hơn chi phí sản xuất thật.

c2633eff-586b-4c65-86c9-bbb3ecac39b4-21278354033894276577346.webp

Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được kiểm định chất lượng.

Bên cạnh đó, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp. Thực tế cho thấy, với cơ chế tự công bố, nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm nhưng chất lượng, số lượng sản xuất thực tế có thể không đúng như đã công bố, gây hậu quả về tiêu dùng và khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm.

Chặn đứng từ gốc: Minh bạch - liên thông - xử lý nghiêm

Hiện Bộ Công thương đang dự thảo bổ sung quy định bắt buộc đối với các sản phẩm thuộc nhóm rủi ro cao như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế...phải có mã định danh điện tử liên thông với hệ thống dữ liệu quản lý chất lượng quốc gia. Đồng thời, các tổ chức cấp chứng nhận chất lượng, thử nghiệm, giám định cũng phải được công bố công khai trên Cổng thông tin quốc gia để doanh nghiệp không thể "mượn danh" hoặc lập tổ chức giả.

Theo công bố tại họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Công thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xác nhận rằng các sàn thương mại điện tử lớn đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, gỡ bỏ hơn 33.000 sản phẩm vi phạm chỉ trong 6 tháng đầu năm, đồng thời xử lý hơn 11.000 gian hàng vi phạm. Ví dụ điển hình là sản phẩm "Multi Juice" bị phát hiện chứa chất cấm, bán trái phép dưới hình thức đa cấp. Sau cảnh báo từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Shopee, Tiki, Lazada và Sendo đã đồng loạt gỡ bỏ sản phẩm này và cảnh báo người tiêu dùng.

Bên cạnh việc gỡ bỏ thủ công, Bộ Công thương và các sàn như Shopee, Lazada, Tiki...đang triển khai công nghệ tự động (AI, blockchain, truy xuất nguồn gốc) nhằm sàng lọc và cảnh báo sớm đối với sản phẩm có dấu hiệu "chứng nhận không xác thực" hoặc vi phạm chất lượng

Theo ông Phong, muốn chặn đứng hành vi tự đánh bóng giả danh, cần minh bạch toàn bộ chuỗi chứng nhận - công bố - kiểm định. Mọi thứ phải tra cứu được công khai, liên thông giữa các bộ ngành, có công cụ cảnh báo sớm và quy trình phản hồi nhanh cho người tiêu dùng.

Trong cuộc cạnh tranh bằng chất lượng, không có chỗ cho sự dối trá, "giả danh chính mình" hay lừa dối người tiêu dùng bằng mác mẽ sang trọng rởm. Nhà nước cần kiên quyết xử lý - doanh nghiệp cần tử tế – người tiêu dùng cần tỉnh táo. Chỉ khi đó, thị trường mới phát triển lành mạnh, hàng Việt mới giữ vững uy tín và niềm tin trên cả thị trường nội địa lẫn quốc tế./.

Bài liên quan
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,3% đến 8,5% trong năm 2025 là "không thể không làm" và cũng không phải là "mục tiêu bất khả thi".
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,3% đến 8,5% trong năm 2025 là "không thể không làm" và cũng không phải là "mục tiêu bất khả thi".
Bộ Thương mại Mỹ ngày 17/7 đã áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời 93,5% đối với mặt hàng graphit (than chì) nhập khẩu từ Trung Quốc - vật liệu chủ chốt trong sản xuất pin, sau khi kết luận mặt hàng này được Trung Quốc trợ giá không công bằng.
17/07/2025
Lượng nhập khẩu thép cuộn cán nóng khổ từ 1,88m trở lên về Việt Nam trong nửa đầu năm nay đạt gần 650.000 tấn, tăng tới 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
17/07/2025
Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 66/2025 được Quốc hội ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 thì kinh doanh vũ trường, massage, karaoke sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
17/07/2025
Giữ vững các thị trường truyền thống, tăng cường xuất khẩu cà-phê chế biến sâu là giải pháp để ngành hàng này cán mốc mục tiêu 7 tỷ USD cả năm 2025.
17/07/2025
Tin mới