Sau bốn tuần giảm liên tiếp, chứng khoán Mỹ đang dần cho thấy những dấu hiệu hồi phục khi cả ba chỉ số chính của Phố Wall mở đầu tuần mới trong sắc xanh.
Mở đầu tuần mới, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận mức tăng khả quan. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 0,85%, trong khi các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng đồng loạt đi lên. Đà tăng này phản ánh tâm lý lạc quan trở lại khi nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội mua vào những cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn sau giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh trước đó.
Mặc dù thị trường đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng tâm lý vẫn khá thận trọng do những dữ liệu kinh tế chưa thực sự khả quan. Doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 2 chỉ tăng 0,2%, thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích. Đồng thời, chỉ số sản xuất tại bang New York ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong gần hai năm qua, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế. Điều này khiến đà phục hồi của chứng khoán Mỹ phần nào bị hạn chế.
Tâm điểm của thị trường tuần này là cuộc họp chính sách tiền tệ của FED, nơi các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra quyết định về lãi suất và triển vọng kinh tế. Giới đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến những tín hiệu từ Chủ tịch FED Jerome Powell về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Ông Sam Stovall, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược tại CFRA, cho biết: "Nhà đầu tư vẫn đang duy trì sự lạc quan được tạo ra từ cuối tuần trước. Họ hy vọng thị trường sẽ có ít nhất một đợt phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn. Tuy nhiên, liệu đà tăng này có kéo dài thêm hay không sẽ phụ thuộc vào thông điệp của FED. Tôi cho rằng FED sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất ngay, nhưng giọng điệu của họ có thể sẽ ôn hòa hơn, đặc biệt trong bối cảnh doanh số bán lẻ suy yếu và niềm tin tiêu dùng giảm sút."
Theo công cụ FEDWatch của CME Group, thị trường gần như chắc chắn FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này. Tuy nhiên, khả năng FED thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6 hiện đang được định giá ở mức khoảng 55%.
Dù thị trường đang có những tín hiệu tích cực, song triển vọng dài hạn vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ngoài quyết định của FED, các nhà đầu tư còn theo dõi sát những diễn biến kinh tế vĩ mô như lạm phát, thị trường lao động và chính sách tài khóa của chính phủ Mỹ.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng, nếu FED duy trì lập trường cứng rắn về lãi suất, đợt phục hồi hiện tại có thể chỉ mang tính tạm thời. Ngược lại, nếu FED phát tín hiệu ôn hòa hơn, dòng tiền có thể tiếp tục chảy vào thị trường, hỗ trợ cho một xu hướng tăng ổn định hơn.
Trong thời gian tới, diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ phụ thuộc phần lớn vào các quyết sách từ FED cũng như phản ứng của nhà đầu tư trước những tín hiệu kinh tế mới./.