VTV.vn - Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, lĩnh vực truyền hình trả tiền ở Việt Nam vẫn còn tồn tại các hạn chế với 4 bài toán lớn cần giải quyết.
Truyền hình trả tiền có sự phát triển vượt bậc
Ngày 4/10, Hội thảo giao ban Công tác quản lý hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết, trong năm qua, lĩnh vực truyền hình trả tiền Việt Nam có sự phát triển khởi sắc. Điển hình là số lượng thuê bao truyền hình trả tiền tăng trưởng mạnh mẽ, năm ngoái là 18,3 triệu, năm nay đạt 21 triệu, tăng 14%. Chỉ số thuê bao truyền hình OTT năm ngoái là 5,6 triệu, năm nay đạt 7,4 triệu, tăng trên 30%.
Những chỉ số quan trọng đều có sự phát triển vượt bậc, doanh thu có tăng trưởng nhưng không đáng kể, đạt 10.305 tỷ, tăng 3,8%.
Theo ông Lê Quang Tự Do, trước đây, doanh thu OTT chưa ra tiền nhưng năm nay đã bắt đầu tăng, đạt gần 1.700 tỷ, tăng khoảng 7% so với năm 2023. Điều này là nhờ sự cố gắng của tự thân doanh nghiệp, sự hỗ trợ tích cực của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, sự chung tay đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước.
Giải quyết 4 bài toán lớn của truyền hình trả tiền
Bên cạnh các kết quả đạt được, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, lĩnh vực truyền hình trả tiền ở nước ta vẫn còn tồn tại các hạn chế, trong đó có những câu chuyện cũ của truyền hình trả tiền chưa được giải quyết.
Cách đây hơn 1 tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam để tập trung giải quyết 4 bài toán lớn của truyền hình trả tiền. Kết quả buổi làm việc cho thấy đã có hướng ra và có tín hiệu rằng chúng ta có thể giải quyết được, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.
Thông qua hội thảo, ông Lê Quang Tự Do đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận để giải quyết căn cơ 4 bài toán lớn của ngành.
Bài toán đầu tiên là về giá, chủ yếu là giữa các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình kết hợp với gói internet thành gói combo với doanh nghiệp truyền hình truyền thống.
Bài toán thứ hai là bản quyền trên không gian mạng bị vi phạm nhiều. Vừa qua, giải bóng đá ngoại hạng Anh, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với các doanh nghiệp, chủ yếu là K+, FPT, VTV để thực hiện rà soát, phát hiện, ngăn chặn trang web vi phạm bản quyền về bóng đá.
Vấn đề thứ ba là bản quyền âm nhạc dùng trong các chương trình truyền hình. Ông Lê Quang Tự Do cho biết, hướng giải quyết là 2 Bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 2 Cục (Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và Cục Bản quyền tác giả), các doanh nghiệp, trung tâm tác quyền, đơn vị nắm bản quyền cùng ngồi để trao đổi thẳng thắn, tranh luận với nhau.
Cuối cùng, có một bài toán lớn năm ngoái chưa xuất hiện nhưng năm nay thành điểm nghẽn, đó là tình trạng các trận đấu thể thao phát sóng có quảng cáo cờ bạc cá độ.
Ứng dụng AI để chặn lọc các hình ảnh không phù hợp xuất hiện trên sóng
Tại hội thảo, đại diện Công ty Cổ phần Viễn thông FPT đã trình bày tham luận về ứng dụng công nghệ AI để lọc nội dung không phù hợp trên kho nội dung cung cấp đến thuê bao.
Theo đó, FPT đang thử nghiệm triển khai giải pháp Qaidora Mask, cho phép can thiệp trực tiếp vào quá trình giải mã sóng vệ tinh; sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, đánh giá các nội dung cần biên tập, từ đó phát hiện và tự động che đi các nội dung không mong muốn xuât hiện khi phát sóng.
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần VieOn trình bày tham luận về ứng dụng công nghệ AI để tối ưu công cụ gợi ý nội dung và quảng cáo hướng đối tượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!