Trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng tại Đà Nẵng đã sẵn sàng nguồn hàng hóa trị giá hơn 2.800 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân.
Đến thời điểm này, các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tích cực chuẩn bị lượng lớn hàng hóa để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Các nhóm hàng thiết yếu bao gồm gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ khô, đồ hộp, bánh kẹo, mứt, hạt dưa, rau, củ, quả… đã được dự trữ và phân phối sẵn sàng.
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều điểm bán hàng bình ổn giá cho các mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, các chương trình bán hàng lưu động cũng được triển khai nhằm đưa hàng hóa Tết về các khu vực vùng sâu, vùng xa, các xã miền núi và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận nguồn hàng với giá cả hợp lý.
Song song với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Sở Công Thương còn phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường thành phố và các sở, ngành liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Các hoạt động này nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng cũng như các hành vi gian lận thương mại khác, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi đã phát động đợt cao điểm chống gian lận thương mại và hàng giả trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các đội quản lý thị trường được chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt đối với các tổ chức và cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường. Những mặt hàng thiết yếu tiêu dùng nhiều trong dịp Tết sẽ là trọng điểm trong đợt kiểm tra này.”
Với sự chuẩn bị chu đáo từ các đơn vị liên quan, thành phố Đà Nẵng kỳ vọng người dân sẽ đón một mùa Tết Ất Tỵ 2025 an vui, đủ đầy và không lo thiếu hụt hàng hóa thiết yếu./.