Địa phương chủ động khảo sát địa chất, xây dựng hướng tuyến để tổ chức khởi công các dự án giải phóng mặt bằng của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ngày 19/8 tới.
Ngày 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, được kết nối trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố có các dự án đi qua.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến bộ, ngành, địa phương, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các dự án đường sắt trọng điểm sẽ góp phần tạo không gian phát triển mới, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá, góp phần hiện đại hoá đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động, tích cực, trách nhiệm trong triển khai nhanh các mục tiêu đề ra trên tinh thần vừa làm vừa điều chỉnh, không cầu toàn, không nóng vội, làm đâu chắc đó; "vừa chạy vừa xếp hàng" nhưng phải bảo đảm an toàn, khoa học, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; triển khai nhiều nhiệm vụ một lúc nhưng phải có thứ tự ưu tiên; phân công công việc bảo đảm 6 rõ là "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tôi nhắc lại là Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ đạo, đôn đốc, thống nhất chủ trương, còn các bộ, các ngành, các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành các quyết định theo luật pháp để tổ chức thực hiện. Đề nghị các đồng chí quán triệt tinh thân này để chủ động làm cho đúng, trúng và đừng chờ đợi nữa. Chúng ta phải triển khai nhanh theo mục tiêu đã đề ra và theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, đã làm phải làm đến nơi đến chốn, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đấy.
Thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan trước ngày 20/7; Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thành việc thẩm định, công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn trước ngày 10/8 dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng. Trên cơ sở đó, các cơ quan đề xuất các phương thức đầu tư các dự án theo quy định của luật hiện hành.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng nêu rõ đã tách khỏi dự án đầu tư và giao cho các tỉnh, thành phố. Địa phương chủ động khảo sát địa chất, xây dựng hướng tuyến để tổ chức khởi công đồng loạt các dự án giải phóng mặt bằng của tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến tốc độ cao Bắc - Nam vào ngày 19/8 tới, và phải hoàn thành trong năm sau. Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao thúc đẩy sớm họp Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc về các dự án đường sắt kết nối theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước; giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vốn ODA, đảm bảo các quy định phải thông thoáng, thực hiện hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện nay.
Với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù, đặc biệt dành cho 2 địa phương; nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ xem xét.
Đảm bảo tiến độ khởi công đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng và lựa chọn một số hạng mục nhà ga, khu tái định cư để khởi công vào cuối năm nay.
Ngay sau khi cả nước bước vào thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ ngành và địa phương có đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua, tập trung hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng và lựa chọn một số hạng mục nhà ga, khu tái định cư để khởi công vào cuối năm nay. Sau sáp nhập, nhiều thông số về dự án đi qua các địa phương đã thay đổi so với trước, với mục tiêu: chuẩn bị dự án tốt thì triển khai sẽ tốt và công tác giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, theo thiết kế đoạn đi qua TP Hải Phòng có chiều dài gần 90km thay vì khoảng 49km như dự kiến ban đầu, số lượng ga và trạm sửa chữa đã tăng lên là 9 thay vì 6 so với trước sáp nhập, lý do là gộp cả phần của tỉnh Hải Dương cũ vào.
Khi chiều dài tuyến và số lượng ga tăng thì cũng kéo theo tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng sẽ rộng hơn, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng khẳng định: địa phương đảm bảo tiến độ mặt bằng để khởi công đồng loạt các khu tái định cư từ cuối tháng 8 - 12 năm nay.
Ông Phạm Văn Thuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, TP Hải Phòng cho biết: "Công tác giải phóng mặt bằng hiện nay các xã phường có các tuyến đường sắt đi qua đã thực hiện các công tác nghiệp vụ rà soát lập bản đồ địa chính, lập trích lục, trích đo, khảo sát xác định nguồn gốc đất đai, bắt đầu vào kiểm kê nguồn gốc đất đai và thông báo thu hồi đất đến với các tổ chức, các nhân có phần diện tích đã đi qua".
Theo lãnh đạo Ban đường sắt, Bộ Xây dựng, đến thời điểm này tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương diễn ra tương đối thuận lợi, do đã có sự phối hợp giữa bộ và các địa phương làm công tác bàn giao hướng tuyến của dự án trước khi thực hiện công tác sáp nhập tỉnh, thành và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Giờ muốn đẩy nhanh tiến độ hơn nữa thì cần tính đến giải pháp sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên: việc làm trước và việc làm sau.
Ông Mai Minh Việt - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Xây dựng cho hay: "Giải phóng mặt bằng những khu nào dự kiến khởi công thì sẽ được ưu tiên trọng tâm trọng điểm vào việc đó và giải quyết trước khu vực đó. Vì vậy trong việc này sẽ có những lựa chọn khi xác định báo báo cấp thẩm quyền chấp thuận phương án khởi công và địa điểm khởi công chúng tôi cùng với địa phương để phối hợp tập trung vào những điểm trước cho công việc".
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 203.000 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến khoảng 418km, điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (TP Hải Phòng), đi qua 6 tỉnh thành phố.