Khu thương mại tự do tại TP. Hải Phòng say khi được thành lập sẽ áp dụng nhiều cơ chế và chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư.
Sáng 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình Quốc hội Tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển TP. Hải Phòng.
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng, có quy mô lên tới 6.300 ha, tương đương gần 12 lần diện tích trung bình của một khu công nghiệp hiện tại tại địa phương.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra 17 chính sách đặc thù dành riêng cho khu thương mại tự do, với hàng loạt ưu đãi vượt trội, bao gồm: miễn toàn bộ tiền thuê đất và mặt nước trong suốt thời gian thuê; thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn thuế trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và áp dụng mức thuế 15% sau đó; chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) được khấu trừ 200% khi tính thuế; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, nhà khoa học và nhân tài làm việc trong khu.
Doanh nghiệp trong khu thương mại tự do cũng sẽ được phép niêm yết, định giá và thanh toán hợp đồng bằng ngoại tệ; kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa; ngân hàng nước ngoài có thể mở phòng giao dịch mà không cần phải gắn với trụ sở chính…
Dự thảo đề xuất các dự án trong khu (ngoại trừ nhà ở thương mại) sẽ được giao đất hoặc cho thuê đất mà không cần thông qua đấu giá, đấu thầu, và không bị ràng buộc bởi các chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất quốc gia. UBND TP. Hải Phòng sẽ có quyền thu hồi đất đối với các công trình phục vụ lợi ích quốc gia, tương tự như quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong khu thương mại tự do sẽ được hưởng chế độ ưu đãi về hải quan, thuế và tài chính mà không bị ràng buộc bởi các điều kiện về kim ngạch xuất - nhập khẩu.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi nhận định rằng việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do là cần thiết và có đủ căn cứ về chính trị và pháp lý. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn, không chỉ tác động đến kinh tế mà còn liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ các tác động của dự án đối với tăng trưởng kinh tế, ngân sách và xã hội, cũng như khả năng lan tỏa đến các vùng miền. Đồng thời, cần xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro, giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự thông thoáng trong quản lý nhưng vẫn giữ vững an ninh tài chính, kinh tế và trật tự xã hội.