Doanh nghiệp châu Âu xoay trục chiến lược trước biến động thuế quan từ Mỹ

Ngọc Huyền(t/h) - Thứ bảy, ngày 12/04/2025 00:00 GMT+7

Trước những thay đổi liên tục trong chính sách thuế của Mỹ, nhiều doanh nghiệp châu Âu buộc phải tính toán lại chiến lược toàn cầu nhằm bảo vệ thị phần tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Dù căng thẳng thuế quan tạm lắng, tương lai vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn, buộc các công ty phải linh hoạt ứng biến.

Doanh nghiệp châu Âu xoay trục chiến lược trước biến động thuế quan từ Mỹ
Ảnh minh họa - Ảnh: AP

Mặc dù thị trường tài chính đã ghi nhận những phản ứng rõ rệt trước các căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại, tình hình hiện tại đã phần nào dịu lại sau khi chính quyền Washington tuyên bố hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày.

Động thái này kéo theo phản ứng tương tự từ phía Liên minh châu Âu (EU), khi khối này cũng quyết định trì hoãn việc áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ trong cùng thời hạn. Tuy nhiên, sự tạm hoãn này chỉ mang tính chất ngắn hạn – và trong thời gian 90 ngày đó, bất kỳ thay đổi nào cũng có thể xảy ra, nhất là khi Mỹ từng nhiều lần thay đổi chính sách thuế quan một cách đột ngột.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang chủ động điều chỉnh chiến lược. Tại Tây Ban Nha, Tập đoàn Dcoop – nhà sản xuất dầu ô liu nổi tiếng với thương hiệu Pompeian, hiện là sản phẩm bán chạy trên Amazon Mỹ – đang cân nhắc lại toàn bộ định hướng toàn cầu để thích ứng với môi trường thuế quan bất ổn.

Tại nhà máy đóng gói ở Antequera, miền Nam Tây Ban Nha, dây chuyền sản xuất vẫn đều đặn hoạt động. Song, phía sau là những nỗi lo âm ỉ về tương lai xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ông Antonio Luque Luque, Chủ tịch Tập đoàn Dcoop, chia sẻ: "Nếu chúng tôi biết rằng tình hình sẽ ổn định trong 11, 15 tháng hay 2 năm tới, chúng tôi có thể lập kế hoạch. Nhưng thực tế là, không ai chắc rằng trong một tuần hay một tháng nữa thuế sẽ là 10%, 20% hay 30%. Điều đó khiến việc xây dựng chiến lược trở nên vô cùng khó khăn".

Trước những rủi ro đó, Dcoop không loại trừ khả năng phải dịch chuyển đầu tư sang Mỹ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế.

Hiện Dcoop xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và Ý, đạt doanh thu 914 triệu euro (tương đương 1,01 tỷ USD) trong năm 2024. Theo ước tính của công ty, thị trường Mỹ tiêu thụ khoảng 400.000 tấn dầu ô liu mỗi năm, nhưng chỉ tự sản xuất được khoảng 8.000 tấn – tạo ra một khoảng trống lớn mà các nhà sản xuất châu Âu như Dcoop đang tận dụng.

Tuy nhiên, với môi trường thương mại đầy biến động, không chỉ Dcoop mà nhiều doanh nghiệp châu Âu khác sẽ tiếp tục phải điều chỉnh linh hoạt để giữ vững thị phần và vị thế trên thị trường toàn cầu./. 

Bài liên quan
Giữ vững các thị trường truyền thống, tăng cường xuất khẩu cà-phê chế biến sâu là giải pháp để ngành hàng này cán mốc mục tiêu 7 tỷ USD cả năm 2025.
Giữ vững các thị trường truyền thống, tăng cường xuất khẩu cà-phê chế biến sâu là giải pháp để ngành hàng này cán mốc mục tiêu 7 tỷ USD cả năm 2025.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp gửi thư thông báo mức thuế mới cho hơn 150 nền kinh tế, nhắm tới các nước nhỏ ít giao thương và chưa có thỏa thuận với Mỹ.
12/04/2025
Sự hiện diện của ô tô, xe máy điện “phủ kín” khắp đường phố không chỉ đưa quốc gia tỷ dân hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0, mà còn là biểu tượng cho sự đổi mới, độc lập và sức mạnh công nghiệp trong thế kỷ 21.
12/04/2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại với Indonesia.
12/04/2025
Quyết định của Mỹ không chỉ gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho Mexico, đe dọa sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân mà còn làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng nông sản giữa hai nước.
12/04/2025
Tin mới