Trong bối cảnh thế giới chuyển mạnh sang phát triển xanh, công nghiệp xanh không chỉ là xu thế mà là yêu cầu bắt buộc để Việt Nam duy trì tăng trưởng cao và đáp ứng được các chuẩn mực phát triển bền vững toàn cầu. Đó cũng là nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn “Công nghiệp xanh 2025: Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững” sáng 9/7 tại Hà Nội.
Sau hơn ba thập kỷ công nghiệp hóa, ngành công nghiệp đã đóng góp khoảng 35% GDP và trở thành động lực chính tạo việc làm. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhanh chóng cũng đi kèm hệ lụy đáng kể về môi trường, sử dụng tài nguyên và hiệu quả năng lượng.
Đáng chú ý, trong khi các lĩnh vực như năng lượng và giao thông đang có chuyển biến tích cực theo hướng xanh, thì công nghiệp – trụ cột sản xuất quốc gia – vẫn chưa được đặt đúng vị trí trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Phát biểu khai mạc, ông Chử Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới. Từ một nền kinh tế nông nghiệp, Việt Nam đã vươn lên nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao, đóng góp hơn 30% GDP và nằm trong tốp 25 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thách thức: mô hình công nghiệp hiện tại gây áp lực lớn lên môi trường, xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
“Phát triển công nghiệp theo cách cũ không còn phù hợp. Chúng ta cần tái định hình chiến lược để vừa duy trì tăng trưởng cao, vừa đảm bảo bền vững. Đây là bài toán hài hòa, không phải đánh đổi” – ông Lâm khẳng định.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam chia sẻ về tăng trưởng xanh. Ảnh: Mỹ Hoa
Liên quan đến chủ đề này, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nhiều mô hình kinh tế nói chung không nên dựa vào các mô hình trong quá khứ để chuẩn bị cho tương lai. Việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG và cam kết Net Zero cũng là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục là mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu – nơi các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Samsung, Nike… đặt yêu cầu nghiêm ngặt về phát triển bền vững khi lựa chọn đối tác.
Diễn đàn Công nghiệp Xanh 2025: Những mục tiêu cốt lõi
Diễn đàn lần này đã tái định nghĩa tăng trưởng xanh trong công nghiệp, xác định cách áp dụng nguyên tắc bền vững vào thực tiễn sản xuất, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều mô hình tăng trưởng bền vững khả thi và lý tưởng cho chuỗi sản xuất tuần hoàn, góp phần tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp và khu công nghiệp tại Việt Nam.
Một điểm nhấn tại diễn đàn là cách tiếp cận phát triển bền vững dựa trên sử dụng tài nguyên tối ưu, hiệu quả và có trách nhiệm, thay vì giới hạn cứng nhắc về tài nguyên. Cách tiếp cận này gắn với cơ chế thị trường, bảo đảm khả năng phát triển dài hạn.
Các đại diện doanh nghiệp chia sẻ về mục tiêu và những khó khăn trong chuyển đổi xanh. Ảnh: Mỹ Hoa
Giải pháp không nằm ở đánh đổi mà ở sự hài hòa thông minh – thông qua công nghệ sạch, tối ưu tài nguyên, đổi mới mô hình sản xuất, và xây dựng hệ thống thu gom, tái chế chất thải hiệu quả. Đặc biệt, các diễn giả cùng thảo luận cách tiếp cận mới đối với khái niệm "phát triển bền vững" – không tuyệt đối hóa việc hạn chế tài nguyên, mà chấp nhận sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả và linh hoạt theo cơ chế thị trường.
Ông Juhern Kim, Trưởng đại diện quốc gia của Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam, chia sẻ:“Với vai trò là một tổ chức liên chính phủ – trong đó có Việt Nam là thành viên, GGGI luôn mong muốn đồng hành cùng các quốc gia trên hành trình hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Điều quan trọng là cần theo đuổi song hành hai mục tiêu: vừa tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Trong đó, việc nhân rộng các mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP) trên toàn quốc là một bước đi then chốt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp xanh – như một lực đẩy mới để thúc đẩy chuyển đổi bền vững trong các khu công nghiệp hiện nay.”
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu kép đầy thách thức: duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hai con số từ năm 2025 và đồng thời đảm bảo cam kết giảm phát thải, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia và các tổ chức quốc tế. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần một mạng lưới liên kết mạnh mẽ – nơi mỗi chủ thể đều chủ động đóng góp, đồng thời tiếp nhận tri thức và nguồn lực từ các đối tác toàn cầu.
Chỉ khi hành động đồng bộ và có chiến lược, con đường tiến tới một nền công nghiệp xanh – với tốc độ tăng trưởng cao và chất lượng phát triển bền vững – mới trở thành hiện thực./.