Mới đây, tập đoàn Fujifilm Holdings của Nhật Bản thông báo đã ký một hợp đồng trị giá hơn 3 tỷ USD để sản xuất các loại thuốc sinh học có nguồn gốc từ sinh vật sống tại Mỹ cho một công ty dược phẩm lớn của Mỹ.
Thỏa thuận này là hợp đồng sản xuất dược phẩm sinh học lớn nhất từng được biết đến. Theo đó, Fujifilm sẽ sản xuất thuốc kháng thể cho Regeneron tại cơ sở của hãng ở Bắc Carolina, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2025. Các thành phần hoạt chất sẽ được chiết xuất sau khi nuôi cấy tế bào trong các bồn lớn, hay còn gọi là bioreactor (lò phản ứng sinh học). Việc sản xuất quy mô lớn dự kiến sẽ diễn ra vào năm thứ hai sau khi chuyển giao công nghệ từ Regeneron.
Thỏa thuận kéo dài 10 năm với Regeneron Pharmaceuticals, công ty niêm yết trên sàn Nasdaq, được ký kết trong bối cảnh các công ty dược phẩm Mỹ đang đẩy mạnh việc đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước trước các đòn thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump.
Đối với Regeneron, hợp đồng này đảm bảo năng lực sản xuất dài hạn của công ty tại Mỹ. Các công ty dược phẩm lớn như Eli Lilly, Johnson & Johnson và Novartis đang tăng cường đầu tư vào Mỹ, trong khi Roche ngày 22/4 cũng đã công bố sẽ đầu tư 50 tỷ USD trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản phẩm sinh học đòi hỏi nhiều vốn, không gian phòng sạch và hệ thống lò phản ứng sinh học tiên tiến.
Năm 2021, Fujifilm công bố khoản đầu tư 200 tỷ yen (1,4 tỷ USD) để xây dựng cơ sở ở Bắc Carolina. Tám lò phản ứng sinh học 20.000 lít dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2025. Khoản đầu tư bổ sung 180 tỷ yen đã được hãng công bố vào năm 2024./.