Tuần qua, giá ca cao bật tăng 18,6%, đạt gần 10.900 đô la Mỹ/tấn, chạm gần đỉnh lịch sử tháng 1 nhờ lo ngại sản lượng vụ giữa năm tại Bờ Biển Ngà giảm 9% do thời tiết bất lợi và dịch bệnh.
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết sau cuộc đàm phán Mỹ - Trung tại Thụy Sỹ, thị trường hàng hóa biến động giằng co. Giá nhiều mặt hàng tăng mạnh rồi giảm vào cuối tuần. Chốt phiên, chỉ số MXV-Index nhích nhẹ 0,1% lên 2.196 điểm, baochinhphu.vn đưa tin.
Cuối tuần qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế lên các đối tác thương mại trong 2-3 tuần tới, thay vì đàm phán riêng lẻ. MXV nhận định tuần này, giá hàng hóa thế giới có thể biến động mạnh.
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 12 đến 18-5, giá nguyên liệu công nghiệp biến động trái chiều. Ca cao nổi bật khi tăng 18,6%, lên 10.898 đô la Mỹ/tấn, tiệm cận đỉnh lịch sử tháng 1. Ngược lại, giá cà phê đồng loạt giảm, loại Robusta mất 6,9% còn 4.865 đô la Mỹ/tấn, Arabica giảm 5,7% xuống 8.061 đô la Mỹ/tấn.
Lo ngại về sản lượng vụ giữa tại Bờ Biển Ngà tiếp tục đẩy giá ca cao tăng mạnh. Rabobank cho biết mưa đến muộn khiến sản lượng vụ này dự kiến chỉ đạt 400.000 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ do thời tiết xấu và dịch bệnh.
Ngoài ra, theo Reuters, lượng ca cao cập cảng Bờ Biển Ngà trong tuần đầu tháng 5 chỉ đạt 24.000 tấn, giảm 22,5% so với tuần trước và thấp hơn mức trung bình 5 năm.
Dù giá ca cao liên tục lập đỉnh và có lo ngại về nhu cầu sụt giảm, số liệu thực tế cho thấy tiêu thụ vẫn tích cực. Trong quí 1, Mỹ và Indonesia nhập khẩu 125.600 tấn ca cao, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Tồn kho cà phê tăng cao tiếp tục gây áp lực lên giá. Theo sàn hàng hóa liên lục địa (ICE), tồn kho Robusta đạt 4.890 lô, cao nhất trong 7,5 tháng còn Arabica gần 851.170 bao, mức cao nhất gần ba tháng qua.
Cùng với đó, theo MXV, giá dầu tiếp tục tăng nhờ tâm lý lạc quan sau thỏa thuận Mỹ - Trung, dù lo ngại về dư cung bắt đầu xuất hiện trở lại.
Kết tuần, giá dầu Brent tăng 2,35% lên 65,41 đô la Mỹ/thùng, vượt mốc 65 đô la Mỹ; dầu WTI cũng tăng 2,41%, đạt 62,49 đô la Mỹ/thùng.
Giá dầu tuần qua biến động mạnh do nhiều yếu tố. Ban đầu tăng nhờ thỏa thuận Mỹ - Trung và lạm phát Mỹ hạ nhiệt, nhưng sau đó giảm vì lo ngại dư cung khi Mỹ - Iran sắp đạt thỏa thuận hạt nhân, OPEC+ tăng sản lượng, tồn kho Mỹ tăng và IEA dự báo thừa cung. Cuối tuần, giá phục hồi nhờ căng thẳng Trung Đông và số giàn khoan Mỹ giảm./.