Ngành công thương tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo không có việc lợi dụng dịp lễ Tết để tiêu thụ hàng kém chất lượng hay tăng giá đột biến.
Ngày mai (23 tháng Chạp) là Lễ cúng ông Công ông Táo. Đây là phong tục truyền thống của người Việt Nam hàng năm, nhằm bày tỏ lòng thành kính với các vị thần bảo vệ giữ lửa và bảo vệ bình an của mỗi gia đình. Tùy thuộc vào điều kiện và gia cảnh mỗi gia đình có thể chuẩn bị lễ cúng Ông Công Ông Táo để phù hợp với nhu cầu. Một ngày trước lễ cúng ông Công ông Táo về trời, không khí mua sắm tại các chợ đã rất nhộn nhịp.
Chợ Thành Công, Hà Nội tấp nập dòng người mua sắm cá chép, vàng mã và thực phẩm trước ngày tiễn ba vị Táo quân về chầu trời. Năm nào cũng bán cá chép đỏ, anh Thành cho biết, năm nay giá nhập tuy cao hơn, nhưng giá bán vẫn từ 70.000 đến 100.000 đồng một bộ ba con cá tuỳ kích cỡ.
Anh Phạm Xuân Thành - Tiểu thương bán cá chép đỏ cho biết: "Năm nay, ngày ông Công ông Táo rơi vào ngày 23, vào thứ Tư, mọi người mua sắm từ thứ Bảy, Chủ Nhật vào ngày 19, 20. Còn ít cá bán nốt hôm nay và ngày mai".
Bên cạnh cá chép, đồ vàng mã như: mũ, hài, quần áo và tiền vàng cũng là một phần tất yếu trong lễ cúng tiễn các táo về trời. Năm nay, nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức về việc đốt vàng mã, nên không mua và đốt nhiều như trước để tránh gây lãng phí và bảo vệ môi trường.
Ông Cao Ngọc Dương - Người tiêu dùng chia sẻ: "Bây giờ hạn chế đốt vàng mã tôi cũng mua một bộ để cúng ông Công ông Táo ngày truyền thống đưa ông Công ông Táo về trời, đơn giản cũng không cầu kỳ lắm".
Thực phẩm tươi sống và rau xanh luôn là quầy hàng đông đúc khách hàng nhất trong những ngày này. Tuy nhiên, với những người nội trợ bận rộn hơn có một giải pháp khác. Đó là những con gà đã được luộc chín sẵn, những đĩa xôi gấc xôi đỗ sẽ giúp san sẻ áp lực cho người nội trợ bận rộn.
Còn tại siêu thị, nguồn hàng dồi dào kèm các khuyến mại sâu nên ai ai cũng hào hứng chuẩn bị mâm cỗ cúng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Siêu thị Go Thăng Long nêu ý kiến: “Lượng khách hàng tăng 15-20% so với giai đoạn thông thường. Lượng hàng hoá khách hàng mua tập trung vào rau xanh, củ quả, hoa quả và trái cây. Đặc biệt, khách hàng quan tâm đến các sản phẩm cá chép".
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội nhận định: "Các mặt hàng cơ bản là hàng Việt, chúng tôi cũng hướng đến việc tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững".
Để người tiêu dùng yên tâm mua sắm, ngành công thương cũng tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo không có việc lợi dụng dịp lễ Tết để tiêu thụ hàng kém chất lượng hay tăng giá đột biến./.