Gần Tết, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái công khai trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến nền sản xuất và người tiêu dùng.
Ngày càng nhiều vi phạm trên thị trường TMĐT
Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên nền tảng TMĐT có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất và người tiêu dùng.
"TMĐT tạo ra những kẽ hở rất đáng báo động cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng kém chất lượng...Từ các vụ việc bắt giữ thực tế cho thấy, những vi phạm trong lĩnh vực TMĐT ngày càng có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Các đối tượng lợi dụng môi trường này để kinh doanh hàng cấm, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử....với nhiều thủ đoạn trong giao dịch và cất giấu hàng hóa gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm", ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết.
Từ đầu năm đến nay, các hoạt động đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra, xử lý các website có dấu hiệu vi phạm phát luật; kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử... được các lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên, liên tục.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng trong ngành tăng cường công tác nắm bắt địa bàn, thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT cũng như các hình thức mua bán qua trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok...Qua đó đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc. Lũy kế từ ngày 15/12/2023 đến 14/10/2024, quản lý thị trường đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện, xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 777 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 404 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 187 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 186 tỷ đồng (tăng 69%), thu nộp ngân sách nhà nước 479 tỷ đồng (tăng 11%).
Đáng chú ý, cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường TMĐT. Trong đó, các địa phương có số vụ xử lý cao, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lạng sơn, Bến Tre, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cao Bằng, Gia Lai, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tiền Giang... Điển hình, tại Hà Nội, trong 10 tháng, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 309 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, số tiền xử phạt hàng chục tỷ đồng; Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 198 vụ vi phạm, đã xử phạt với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 6,3 tỷ đồng; Tại Hưng Yên, tính đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh này đã kiểm tra xử lý 24 vụ với tổng số tiền thu nộp NSNN nước gần 272 triệu đồng; Tại An Giang, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh này đã kiểm tra 14 vụ việc kinh doanh trên nền tảng di động, xử lý 8 vụ việc vi phạm. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm, các mặt hàng thời trang với trị giá hơn 34 triệu đồng, phạt tiền khoảng 100 triệu đồng…
Tập trung cao độ kiểm soát từ nay đến Tết Nguyên đán
Các đối tượng lợi dụng môi trường TMĐT để kinh doanh hàng cấm, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử....
Chia sẻ sâu hơn về các vụ việc vi phạm đã phát hiện thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu trên TMĐT là không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website TMĐT bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không hiển thị công khai cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng trên trang chủ website TMĐT; không công bố trên website TMĐT bán hàng thông tin về chủ sở hữu website.
Bên cạnh đó, trên các trang TMĐT, tài khoản trên sàn TMĐT thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng...để lôi kéo người dùng có nhu cầu mua sắm. Tuy nhiên, thực tế hàng hóa bán là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.
Đặc biệt, đến nay, trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy tổng hợp, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại hàng hóa có giá trị cao qua các cảng hàng không quốc tế...
Trước thực trạng đó, theo các chuyên gia kinh tế - thương mại, để thị trường TMĐT phát triển đúng hướng và lành mạnh, tránh thất thu thuế và bảo vệ nền sản xuất, các doanh nghiệp làm ăn chân chính; đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành.
"Các ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát hành hóa có dấu hiệu vi phạm; Tăng cường phát hiện dấu vết để truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa. Nhất là các đối tượng bán online, livestream qua mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube…;. Các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua các bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa", đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng hải quan sẽ tập trung cao độ kiểm soát hàng hóa tại các cửa khẩu, qua đó đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn vi phạm...
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong thời gian tới, lực lượng này tiếp tục theo dõi, rà soát, cập nhật các website, ứng dụng bán hàng, mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT lớn của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh trên địa bàn quản lý vào Hệ thống INS; Đẩy mạnh tuyên truyền, cho ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân có bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên môi trường không gian mạng.
"Chúng tôi tiếp tục tập trung vào các nhóm hoạt động TMĐT, sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; kinh doanh mặt hàng điện tử, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, đường cát; kinh doanh rượu, nguyên liệu thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá và các nhóm sản phẩm thực phẩm...Thông qua đó góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2025.", ông Linh nhấn mạnh.