Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi 190 số công bố thiết bị y tế loại A và B do nhiều sản phẩm không đáp ứng định nghĩa thiết bị y tế, công bố sai mục đích sử dụng và vi phạm quy trình quản lý.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội mới đây đã ký quyết định yêu cầu thu hồi 190 số công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với các sản phẩm được phân loại là thiết bị y tế loại A và B. Đây là động thái nhằm chấn chỉnh tình trạng công bố tràn lan các sản phẩm không đủ điều kiện, không đúng bản chất thiết bị y tế.
Theo thông tin từ quyết định, lý do thu hồi là do các sản phẩm không phù hợp với định nghĩa thiết bị y tế theo quy định hiện hành. Nhiều sản phẩm có mục đích sử dụng không thỏa mãn tiêu chí của một thiết bị y tế nhưng vẫn được công bố như vậy, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng về quy trình quản lý.
Danh sách thu hồi trải rộng ở nhiều doanh nghiệp, trong đó nổi bật là Công ty CP Dược liệu Bảo Sâm với tới 20 sản phẩm bị thu hồi, bao gồm các loại xịt họng, nước súc miệng, xịt mũi và xịt tai. Công ty TNHH Đông Dược Phúc Cường và Công ty Cổ phần Dược phẩm Elaphe đều có 8 sản phẩm bị rút số công bố, phần lớn là các loại xịt mũi họng, xịt khớp, dung dịch nhỏ tai, thuốc nhỏ mắt, nước muối sinh lý đa năng và cồn y tế 90°.
Công ty TNHH Dược phẩm V&S V Việt Nam cũng có 7 sản phẩm bị thu hồi. Trong khi đó, Công ty CP Dược phẩm Hà Nội có 6 sản phẩm không đạt chuẩn, chủ yếu là nước súc miệng, nước súc họng và xịt keo ong.
Một loạt doanh nghiệp khác cũng có 5 sản phẩm bị thu hồi, gồm Công ty CP Công nghệ Dược mỹ phẩm Hà Nội, Công ty TNHH Vật tư Trang thiết bị y tế Hà Anh, Công ty TNHH Liên doanh Hungari và Việt Nam, và Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Phú Minh Khang. Trong đó, các sản phẩm của Công ty Hà Anh bao gồm bộ dụng cụ bơm xi măng cột sống, bộ dụng cụ phẫu thuật, kim chọc cột sống các loại và hệ thống máy khoan đa năng. Còn Công ty liên doanh Hungari và Việt Nam bị thu hồi các sản phẩm như xịt giảm đau và dung dịch vệ sinh phụ nữ Xuân Hồng.
Các doanh nghiệp khác như Công ty TNHH HAMO – PHAR, Công ty TNHH Nông dược Công nghệ cao NCK FARMACY (Thanh Xuân, Hà Nội), Công ty TNHH Dược phẩm Bình Minh, Công ty CP Thương mại Dược mỹ phẩm Quốc tế ODOGROUP và Công ty CP Xuất nhập khẩu EU Việt Nam đều có 4 sản phẩm bị thu hồi.
Danh sách còn ghi nhận một số doanh nghiệp có 3 sản phẩm bị thu hồi như Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà (Thanh Trì, Hà Nội) và Công ty Dược phẩm Thành Phát. Một số đơn vị chuyên phân phối thiết bị y tế cũng có tên trong danh sách như Công ty Cổ phần Dược phẩm Medstand, Công ty TNHH Sun For Life, Công ty TNHH KYH Bio Tech Việt Nam, Công ty Cổ phần Healthcare HCT, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Y tế Khôi Nguyên và các doanh nghiệp lâu năm như Công ty CP Hoá dược Trung ương 8, Công ty CP Hoá dược Trung ương 9.
Đáng chú ý, trong danh sách còn xuất hiện tên Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam với 5 sản phẩm bị thu hồi, bao gồm gel, kem bôi, xịt xoang và xịt mũi. Điều này cho thấy không chỉ các doanh nghiệp thương mại mà ngay cả các đơn vị nghiên cứu cũng vi phạm quy định khi tự ý công bố sản phẩm không đúng bản chất thiết bị y tế.
Động thái thu hồi diện rộng lần này là lời cảnh báo mạnh mẽ từ cơ quan quản lý, nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về thiết bị y tế. Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát và xử lý dứt điểm tình trạng công bố tràn lan, sai quy định nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo sự minh bạch trong lĩnh vực y tế./.