Hà Nội: Mỗi học sinh tiểu học được hỗ trợ mức ăn tối thiểu 30.000 đồng/ngày

Khánh Nguyễn - Thứ năm, ngày 10/07/2025 00:00 GMT+7

Tổng kinh phí dự kiến để triển khai chính sách trong năm học 2025–2026 là hơn 3.063 tỷ đồng, nhằm đảm bảo điều kiện chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn cho học sinh.

Hà Nội: Mỗi học sinh tiểu học được hỗ trợ mức ăn tối thiểu 30.000 đồng/ngày
Ảnh minh hoạ

Chiều 9/7, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố. Theo nghị quyết này, mỗi học sinh tiểu học sẽ được hỗ trợ mức ăn tối thiểu là 30.000 đồng/ngày. Tổng kinh phí dự kiến để triển khai chính sách trong năm học 2025–2026 là hơn 3.063 tỷ đồng, nhằm đảm bảo điều kiện chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn cho học sinh.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 763.000 học sinh tiểu học, trong đó có khoảng 502.000 em đang tham gia ăn bán trú, chiếm 65,8%. Việc hỗ trợ kinh phí bữa ăn được kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ học sinh ăn bán trú lên 99,17%, qua đó góp phần giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh và nâng cao chất lượng chăm sóc học sinh trong điều kiện học hai buổi mỗi ngày. Nghị quyết chia mức hỗ trợ thành hai nhóm: 30.000 đồng/ngày dành cho học sinh tại các xã miền núi và xã thuộc bãi giữa sông Hồng; 20.000 đồng/ngày đối với học sinh tại các khu vực còn lại của Hà Nội. Trong trường hợp chi phí bữa ăn thực tế cao hơn mức hỗ trợ, phần chênh lệch sẽ do phụ huynh tự chi trả.

Thống kê cho thấy, hiện có 703/778 trường tiểu học tại Hà Nội đang tổ chức ăn bán trú, đạt tỷ lệ gần 90,4%. Tỷ lệ này ở khu vực miền núi và bãi giữa sông Hồng là 86,36%, trong khi ở các khu vực còn lại là 90,48%. Về điều kiện cơ sở vật chất, khoảng 90% trường học có đủ khả năng tổ chức bán trú cho toàn bộ học sinh. Các bữa ăn bán trú đang được triển khai theo hai hình thức: trường tự nấu hoặc liên kết với đơn vị cung cấp suất ăn. Tại khu vực miền núi và các xã thuộc bãi giữa sông Hồng, tất cả các trường công lập đều liên kết với đơn vị bên ngoài để cung cấp bữa ăn. Ở khu vực nội thành, 90,58% trường công lập sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn, trong khi tỷ lệ các trường tư thục tự tổ chức nấu ăn lên tới 64,58%.

UBND TP Hà Nội cho biết mức thu tiền ăn hiện nay tại các trường công lập dao động từ 19.000–50.000 đồng/ngày, với mức thu bình quân là 30.062 đồng/ngày. Tại các trường tư thục, mức thu dao động từ 25.000–125.000 đồng/ngày, bình quân đạt 50.827 đồng/ngày. Tổng kinh phí chi cho ăn bán trú trong năm học 2024–2025 ước tính là 3.074 tỷ đồng, trong đó khối công lập chiếm hơn 2.520 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội nhấn mạnh rằng việc triển khai chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú là hết sức cấp thiết đối với bậc tiểu học – cấp học có số lượng học sinh đông nhất, bắt buộc học hai buổi/ngày và có nhu cầu dinh dưỡng cao. Việc bảo đảm bữa ăn đầy đủ tại trường không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh mà còn giúp giảm áp lực cho phụ huynh trong việc đưa đón và chuẩn bị bữa ăn cho con em. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm lao động, công tác.

Sau một năm triển khai, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả chính sách, từ đó tham mưu cho UBND TP về việc mở rộng phạm vi hỗ trợ sang các cấp học khác nếu điều kiện ngân sách cho phép./.

Bài liên quan
Sau khi mở rộng địa giới hành chính với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh định hướng xây dựng lại mô hình trạm y tế theo hướng hiện đại, toàn diện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân trong vùng đô thị đặc biệt.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh định hướng xây dựng lại mô hình trạm y tế theo hướng hiện đại, toàn diện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân trong vùng đô thị đặc biệt.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Y tế, kiến nghị bỏ quy định doanh nghiệp phải kiểm nghiệm mỹ phẩm 6 tháng/lần trong Dự thảo Nghị định mới về quản lý mỹ phẩm vì cho rằng không cần thiết và gây thêm gánh nặng thủ tục.
10/07/2025
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang lấy ý kiến với đề xuất chuyển từ trung cấp nghề sang trung học nghề, tích hợp đào tạo văn hóa phổ thông và kỹ năng nghề. Sự chuyển đổi này được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập tồn tại lâu nay trong công tác phân luồng và tổ chức đào tạo nghề.
10/07/2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ, trong đó đề xuất xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo nhằm bảo đảm thực hiện đúng chủ trương “lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp” theo quy định của Luật Nhà giáo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
10/07/2025
Sở Y tế Hà Tĩnh vừa ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi 7 sản phẩm mỹ phẩm do phát hiện công thức không đúng với hồ sơ đã công bố, nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
10/07/2025
Tin mới