Hà Nội sẽ áp dụng mức xử phạt gấp đôi đối với một số vi phạm về an toàn thực phẩm.
Tại Hà Nội, việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học sẽ được thành phố triển khai thường xuyên và không giới hạn thời gian. Đặc biệt, Hà Nội sẽ áp dụng mức xử phạt gấp đôi đối với một số vi phạm về an toàn thực phẩm.
Đây là điểm mới đáng chú ý trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm được thành phố chính thức triển khai từ ngày 15/4.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, thành phố sẽ tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành, thanh tra 30 quận, huyện, thị xã; trong đó, tập trung kiểm soát an toàn tại bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Các đoàn thành phố sẽ kiểm tra việc triển khai thực hiện của các quận, huyện, thị xã theo chuyên đề, kết hợp kiểm tra đột xuất các cơ sở trên địa bàn. Các cơ sở vi phạm ngoài việc bị công khai xử phạt hành chính còn phải buộc tạm dừng hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đề nghị, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, cơ quan chức năng của thành phố và các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung triển khai chuyên đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học; cùng đó tập trung giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP; đồng thời gắn với việc xử phạt cao nhất trong thẩm quyền mà thành phố ban hành.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024, thành phố đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, kiểm tra được 12.358 cơ sở, trong đó có 10.469 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 84,7%) và xử phạt gần 2.000 cơ sở vi phạm với số tiền gần 9 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động 7 cơ sở, buộc tiêu hủy sản phẩm của 223 cơ sở.
Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội năm 2025, toàn thành phố cũng thành lập 681 đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra 16.063 cơ sở, thành phố phát hiện 1.857 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt 1.840 cơ sở với số tiền hơn 11 tỷ đồng và nhắc nhở, cảnh cáo 17 cơ sở.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2024, trên địa bàn thành phố xảy ra 30 vụ ngộ độc thực phẩm với 918 người mắc, trong đó có 19 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể (chiếm tỷ lệ 63,3%). Riêng ngộ độc bếp ăn tập thể trường học xảy ra 10 vụ (chiếm 33%), nguyên nhân chủ yếu là do vi sinh vật (chiếm trên 40%)./.