Để giữ ổn định thị trường và kiểm soát CPI cuối năm, Hà Nội tập trung dự trữ hàng hóa thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, CPI tháng 11/2024 của Thủ đô giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 2,18% so với tháng 12/2023 và tăng 2,08% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 11 tháng năm nay tăng 4,37% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 11, có 4/11 nhóm hàng CPI giảm, gồm: hàng ăn, dịch vụ ăn uống; bưu chính viễn thông; văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm giao thông. Ngược lại, 6 nhóm hàng CPI tăng, chủ yếu ở nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; may mặc, mũ nón, giày dép.
Bình quân 11 tháng, 10/11 nhóm hàng CPI đều tăng, đáng chú ý nhất là nhóm giáo dục tăng 18,04% do các trường công lập và tư thục đồng loạt áp dụng mức học phí mới. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,07% bởi giá điện, nước và nhà thuê đều tăng cao.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để kiểm soát CPI dịp cuối năm, trong đó tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu như chuẩn bị các kịch bản dự phòng để ứng phó với biến động nguồn cung, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Thành phố đẩy mạnh kết nối sản xuất-tiêu thụ như hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong việc phân phối sản phẩm nhằm giảm thiểu trung gian, từ đó giảm chi phí và ổn định giá cả.
Thành phố tăng cường kiểm soát giá cả trên thị trường, giám sát chặt chẽ giá cả, tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các chợ, siêu thị và cửa hàng để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý hoặc găm hàng trục lợi.
Thành phố công khai thông tin giá cả, thường xuyên cập nhật thông tin minh bạch về giá cả và nguồn cung các mặt hàng thiết yếu để người dân yên tâm, tránh tâm lý tích trữ; tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để thống nhất hành động trong việc kiểm soát CPI. Đồng thời triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá bằng các ưu đãi về thuế, phí và tín dụng.
Theo ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch, chương trình “Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2024” sẽ là điểm nhấn dịp cuối năm. Sự kiện này có quy mô toàn thành phố với 1.000 điểm bán hàng khuyến mại, thu hút hàng trăm doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề tham gia.
Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm du lịch, làng nghề và sản phẩm OCOP chất lượng cao trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các hoạt động này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận nguồn hàng chất lượng với giá hợp lý.
Hà Nội cam kết phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các bên liên quan để đảm bảo sự ổn định của thị trường, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân dịp cuối năm.