VTV.vn - Khám phá vũ trụ đã từ lâu luôn trở thành đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Có rất nhiều câu hỏi về vũ trụ như ngoài vũ trụ bao la kia liệu có sự sống ngoài Trái đất hay không? Có các nền văn minh khác ngoài chúng ta hay không? Hay đơn giản chỉ là, liệu có người ngoài hành tinh không?
Chúng ta đã và đang tiếp tục các bước đi nhằm khám phá vũ trụ. Một trong những đột phá mới là chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của các nhà du hành tư nhân trong sứ mệnh Polaris Dawn mà SpaceX mới thực hiện trong tuần qua. Sự kiện đánh dấu bước tiến lớn của ngành công nghiệp vũ trụ thương mại.
Sáng sớm 15/9 (theo giờ Mỹ), tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX đã hạ cánh thành công ngoài khơi bờ biển Florida, kết thúc sứ mệnh Polaris Dawn. Sứ mệnh được coi là khoảnh khắc quan trọng trong tương lai của chuyến bay thương mại vào vũ trụ.
Hai phi hành gia đã thực hiện chuyến đi bộ thương mại đầu tiên vào không gian hôm 12/9. Chuyến đi bộ ngoài không gian kéo dài tổng cộng hơn 20 phút. Việc đi bộ ngoài không gian nhằm thử nghiệm bộ đồ EVA mới được SpaceX thiết kế. Trước đây, chỉ các phi hành gia chính quy được chính phủ đào tạo kỹ lưỡng mới thực hiện các chuyến đi bộ ngoài không gian.
Ông Ilan Kelman - thuộc Đại học London, Anh - nói: "Đây là một bước tiến lớn về mặt du hành vũ trụ cho con người".
Bà Sarah Gillis - thành viên sứ mệnh Polaris Dawn - cho biết: "Cho đến nay, thực sự chỉ có các quốc gia mới có thể thực hiện đi bộ ngoài không gian. SpaceX có tham vọng lớn là đến được sao Hỏa và tạo ra sự sống đa hành tinh. Để đến được đó, chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu đó. Bước đầu tiên là những gì chúng ta đang làm trong nhiệm vụ này - đó là thử nghiệm bộ đồ EVA mới trong hoạt động ngoài vũ trụ".
Sứ mệnh Polaris Dawn không chỉ nâng cao kiến thức khoa học mà còn đưa du lịch vũ trụ thương mại tiến gần hơn đến các sứ mệnh ngoài quỹ đạo Trái đất - bao gồm cả các chuyến thám hiểm tiềm năng tới sao Hỏa.
Ông Jared Isaacman - chỉ huy sứ mệnh Polaris Dawn - chia sẻ: "Chúng tôi là 4 người may mắn được tham gia chuyến đi này, nhưng còn không biết bao nhiêu nhóm đã làm việc không ngừng nghỉ trong suốt 2 năm rưỡi qua để chế tạo bộ đồ EVA mới để đi bộ ngoài không gian và các hoạt động liên quan đến nó nhằm biến điều này thành hiện thực. Có thể, trong tương lai không xa, con người cuối cùng sẽ đến được một hành tinh khác ngoài hành tinh của chúng ta".
Ngoài chuyến đi bộ ngoài không gian, phi hành đoàn đã tiến hành gần 40 thí nghiệm khoa học, nghiên cứu tác động của vi trọng lực lên cơ thể con người và thử nghiệm các công nghệ y tế tiên tiến. Các cuộc thử nghiệm liên lạc sử dụng vệ tinh Starlink của SpaceX cũng là một phần quan trọng của sứ mệnh.
Sứ mệnh Polaris Dawn là cột mốc lớn của ngành công nghiệp vũ trụ thương mại tư nhân đang trên đà phát triển, giúp nền kinh tế vũ trụ dần thoát ra khỏi sự độc quyền của chính phủ.
Theo một thống kê, vào năm 2023, nền công nghiệp vũ trụ toàn cầu tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 546 tỉ USD. Trong 5 năm tới, ngành công nghiệp vũ trụ dự kiến đạt doanh thu gần 800 tỉ USD. Đáng chú ý, lĩnh vực thương mại chiếm đến 78% tổng doanh thu của toàn ngành kinh tế vũ trụ toàn cầu. Giới quan sát nhận định toàn bộ ngành công nghiệp vũ trụ thương mại được dự đoán sẽ có những đóng góp lớn cho toàn bộ nền công nghiệp vũ trụ nói chung.
(Ảnh: IndustryWired)
Ngân hàng Bank of America dự báo ngành công nghiệp vũ trụ sẽ phát triển, quy mô ước đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030.
Ngành công nghiệp vũ trụ thương mại đang trải qua sự tăng trưởng và chuyển đổi với số lượng các vụ phóng ngày càng tăng, công nghệ mới xuất hiện ngày càng nhiều, các thị trường mới nổi đang phát triển giúp dần định hình tương lai của ngành.
Kinh tế vũ trụ hiện nay đang bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên thương mại hóa, hội nhập và đổi mới. Khác với trước đây, lĩnh vực kinh tế vũ trụ hiện nay có sự tham gia của nhiều tập đoàn tư nhân lớn như SpaceX, Amazon, Facebook với hàng loạt dự án lớn cung cấp dịch vụ Internet bằng chùm Starlink của SpaceX; dịch vụ vận chuyển, du lịch Blue Origin của Amazon…
Với sự tham gia này, các ứng dụng công nghệ không gian mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như du hành vũ trụ, công nghệ truyền thông sử dụng vệ tinh ở quỹ đạo thấp, ứng dụng Internet kết nối vạn vật trên hệ thống vệ tinh và thiết bị mặt đất.
Theo tờ Financial Times, trong 20 năm qua, có hơn 10.000 công ty vũ trụ thương mại đã ra đời. SpaceX - công ty vũ trụ được biết đến nhiều nhất - đã phóng hàng nghìn vệ tinh cho cả mục đích công và tư.
Sự cạnh tranh trong nền kinh tế vũ trụ ngày một lớn, góp phần thúc đẩy nhu cầu đổi mới để giảm giá thành cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ. Cạnh tranh gia tăng tiếp tục mở ra cơ hội và tiềm năng phát triển mới cho nền kinh tế vũ trụ.
Nếu như cuộc chạy đua vào không gian được khởi đầu bởi sự cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ và Nga, hiện đã có khoảng 90 quốc gia đang thúc đẩy phát triển chương trình không gian vũ trụ. Đáng chú ý, trong số đó, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Iran, Israel và Nhật Bản có khả năng phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo một cách ổn định.
Không chỉ các chính phủ, hàng loạt công ty tư nhân cũng tham gia tích cực trong ngành công nghiệp vũ trụ. Nguyên nhân là bởi họ nhận thấy ngành công nghiệp vũ trụ có thể vượt qua ranh giới khám phá khoa học và có thể đem lại lợi nhuận kinh tế. Ước tính, hiện có hơn 10.000 công ty và khoảng 5.000 nhà đầu tư tham gia ngành vũ trụ.
Sự phát triển của kinh tế vũ trụ vừa tạo ra cơ hội, tiềm năng nhưng cũng có nhiều thách thức. Cạnh tranh địa chính trị đang len lỏi vào tham vọng chinh phục không gian của các cường quốc. Nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang quân sự trong không gian vũ trụ là hiện hữu, đe dọa sự ổn định chiến lược toàn cầu, thậm chí có thể xảy ra kịch bản chiến tranh không gian vũ trụ.
Bên cạnh đó, nguy cơ tư nhân hóa không gian cũng được tính đến, hay hệ thống pháp luật quản lý khai thác, phát triển kinh tế vũ trụ vẫn chưa hoàn thiện. Đây sẽ là bài toán cho tất cả các quốc gia trong việc hướng tới một tương lai của nền kinh tế vũ trụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!