PFAS – nhóm hóa chất được ví như “vĩnh cửu” vì khó phân hủy – đang âm thầm hiện diện trong môi trường sống, nhà bếp và cả cơ thể con người, trở thành mối lo ngại ngày càng lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
PFAS cùng với một hóa chất khác là BPA đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong cộng đồng khoa học và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Được sử dụng rộng rãi trong hàng loạt sản phẩm gia dụng vì đặc tính chống dính, chống dầu mỡ, chống nước và vết bẩn, PFAS ước tính có thể bao gồm hơn 15.000 hợp chất khác nhau, với đặc điểm nổi bật là chứa liên kết flo-cacbon cực kỳ bền vững trong tự nhiên và cơ thể con người.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, ảnh hưởng của PFAS đến sức khỏe con người vẫn đang được nghiên cứu và chưa có kết luận rõ ràng. Tuy vậy, các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy những hợp chất này có khả năng gây ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản, tuyến giáp, hệ miễn dịch và gan. PFAS cũng được xếp vào nhóm các chất có thể làm gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính nếu tiếp xúc lâu dài.
Trong sinh hoạt thường nhật, chảo chống dính là một trong những vật dụng phổ biến nhất phát tán PFAS, đặc biệt khi sử dụng ở nhiệt độ cao. Ngoài ra, nhiều loại hộp đựng thực phẩm, bao bì, vật dụng nhà bếp – đặc biệt là đồ nhựa chịu nhiệt – cũng có thể chứa PFAS hoặc BPA. Mặc dù người tiêu dùng hiện đã bắt đầu chú ý đến các sản phẩm không chứa BPA, nhưng PFAS lại nguy hiểm hơn nhiều và thường bị bỏ qua trong các cảnh báo tiêu dùng. Các hộp nhựa tiện lợi, dùng để hâm nóng bằng lò vi sóng, là một trong những nguồn phát thải PFAS phổ biến nhất.
Theo Linda Birnbaum – cựu Giám đốc Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ, những người thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là đồ ăn nhanh, có xu hướng có nồng độ PFAS trong máu cao hơn so với những người ăn thực phẩm tươi. Đây là lý do vì sao Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã kêu gọi các công ty loại bỏ dần việc sử dụng PFAS trong bao bì thực phẩm từ tháng 2/2024. Tuy nhiên, do đặc tính bền vững, các hợp chất PFAS vẫn hiện diện rộng khắp trong môi trường, có thể tồn tại trong nước, đất, không khí, thực phẩm, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm tiêu dùng khác.
Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên chủ động hạn chế tiếp xúc với PFAS và BPA trong sinh hoạt thường ngày. Một trong những biện pháp hiệu quả là thay thế các dụng cụ nấu nướng có phủ lớp chống dính bằng các chất liệu an toàn hơn như thủy tinh, thép không gỉ, gang hoặc inox. Mặc dù những chất liệu này có thể kém tiện lợi và giá thành cao hơn, nhưng chúng mang lại lợi ích dài hạn cho sức khỏe. Nếu vẫn sử dụng chảo chống dính, nên tránh đun ở nhiệt độ quá cao và không sử dụng khi lớp phủ đã bong tróc.
Bên cạnh đó, việc hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường tự nấu ăn với nguyên liệu tươi, sử dụng hộp đựng bằng thủy tinh thay cho nhựa khi hâm nóng trong lò vi sóng cũng là các biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ phơi nhiễm. Dù còn cần nhiều nghiên cứu để xác định chính xác mức độ ảnh hưởng lâu dài của PFAS và BPA đối với cơ thể người, việc chủ động giảm thiểu tiếp xúc ngay từ bây giờ được xem là giải pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình./.