Giá cà phê lên xuống quá thất thường khiến nhà vườn vừa mừng vừa lo.
Giá cà phê hôm nay (11/2) tiếp tục tăng mạnh. Tại Tây Nguyên, giá trung bình đạt 131.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với ngày hôm trước. Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta và Arabica cũng đồng loạt tăng mạnh, lần lượt đạt 5.573-5.696 USD/tấn và 9.460 USD/tấn cho kỳ hạn giao tháng 3/2025.
Bà Nguyễn Thị Chiến, một nông dân ở Đăk Hà, chia sẻ: "Sau khi bán 1 tấn cà phê với giá 115.000 đồng/kg, tôi quyết định giữ lại số cà phê còn lại để chờ giá cao hơn. Dù nhiều thương lái tìm đến mua, tôi vẫn muốn chờ đợi thêm một thời gian nữa để có được mức giá tốt nhất."
Cũng theo bà Chiến, giá cà phê lên xuống quá thất thường khiến nhà vườn cũng hồi hộp, không rõ khi nào là thời điểm giá tốt nhất để bán hàng.
Giá cà phê không ổn định khiến nhà vườn sốt ruột.
Trong khi đó, về xuất khẩu cà phê, mặc dù xuất khẩu cà phê giảm 38,2% về lượng trong tháng 1/2025, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng 8,8% lên 694,93 triệu USD, cho thấy giá cà phê trung bình đã tăng đáng kể. Điều này cho thấy, dù nguồn cung giảm nhưng nhu cầu thị trường vẫn rất lớn, đẩy giá cà phê lên cao.
Với tình hình hạn hán kéo dài và giá cà phê trong nước thấp hơn giá sàn London đến gần 15.000 đồng/kg, ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty CP Học viện café Việt Nam VCA, đã đặt ra câu hỏi về việc liệu có sự ép giá của các doanh nghiệp xuất khẩu hay không. Ông cho rằng tình hình này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người nông dân.
Trước sự biến động khó lường của thị trường cà phê, ông Long khuyến cáo nông dân nên thận trọng trong việc quyết định thời điểm bán hàng, nên chia nhỏ số lượng cà phê để bán dần, đặc biệt là trước tháng 7 năm sau, để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo thu nhập ổn định.
Theo giới kinh doanh, dù giá cà phê hiện ở mức rất cao nhưng khả năng nông dân mở rộng diện tích canh tác gần như không có vì không còn đất. Chỉ có thể giữ sản lượng bằng việc chăm sóc vườn, tái canh khi vườn đến tuổi. Do đó, ngành cà phê chưa lo đến khủng hoảng thừa.