Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của ba địa phương, đặc biệt là tỉnh Bình Dương trong việc sớm triển khai dự án. Ông nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển cho các địa phương và toàn vùng Đông Nam Bộ. Thủ tướng cũng mong muốn Bình Dương tiếp tục phát huy tinh thần đột phá về hạ tầng, thúc đẩy kết nối vùng, nhất là khu vực Đông Nam Bộ theo quy hoạch đã được thông qua, giữ vững vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của ba địa phương trong việc sớm triển khai dự án.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.833 tỷ đồng (bao gồm lãi vay), được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian chuẩn bị và xây dựng cơ sở hạ tầng là 36 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực, trong khi thời gian vận hành và kinh doanh dự án kéo dài 32 năm 5 tháng, bắt đầu khi nhà đầu tư được phép thu phí đường bộ.
UBND tỉnh đã giao Tổ thương thảo, đàm phán hợp đồng chuẩn bị ký kết giữa cơ quan được ủy quyền, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án. Tuyến cao tốc, đoạn qua tỉnh Bình Dương, có điểm đầu giao với Vành đai 3 TP.HCM (TP. Thuận An) và điểm cuối tại Km52+159 (ranh giới Bình Dương - Bình Phước). Tuyến đi qua TP. Thuận An, TP. Tân Uyên và các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng, với tổng chiều dài hơn 52 km.
Trong đó, 6,5 km đầu tuyến (Vành đai 3 đến nút giao Khánh Vân) giữ nguyên hiện trạng, còn lại hơn 45,6 km sẽ được xây mới. Tuyến cao tốc được thiết kế 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp, bề rộng nền đường 25,5 m, tốc độ tối đa 100 km/h. Đoạn đầu tuyến giữ nguyên quy mô mặt cắt hiện trạng, các đoạn có nhu cầu giao thông lớn sẽ được đầu tư thêm đường gom đảm bảo 2 làn xe cơ giới.
Ngoài 52 km đi qua Bình Dương, cao tốc còn có 7 km qua Bình Phước và 2 km qua TP.HCM, trong đó đoạn qua Bình Phước đã khởi công từ tháng 12/2024. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 2027, với 4 làn xe và mở rộng lên 6 làn trong giai đoạn tiếp theo.
Được xem là tuyến giao thông huyết mạch của vùng Đông Nam Bộ, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kỳ vọng rút ngắn thời gian từ các tỉnh đến sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, đồng thời giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.