“Không rửa mặt” – xu hướng làm đẹp mới hay chiêu trò gây hại?

Thục Khuê (t/h) - Thứ hai, ngày 05/05/2025 00:00 GMT+7

Trong khi nhiều người đầu tư công sức và tiền bạc vào các bước chăm sóc da cầu kỳ thì một trào lưu ngược dòng lại đang nổi lên: hoàn toàn từ bỏ việc rửa mặt với lý do “tự nhiên là tốt nhất”.

“Không rửa mặt” – xu hướng làm đẹp mới hay chiêu trò gây hại?
Ảnh: Unsplash

Phương pháp làm đẹp “thời tiền sử” – như cách nhiều người gọi vui – xuất phát từ quan điểm rằng các sản phẩm chăm sóc da hiện đại có thể tước đi lớp dầu tự nhiên, phá vỡ độ cân bằng pH và làm xáo trộn hệ vi sinh vật vốn tồn tại tự nhiên trên da mặt. Những người ủng hộ phương pháp này tin rằng, bằng cách không tác động đến da, không rửa mặt hay dùng bất kỳ sản phẩm làm sạch nào, làn da sẽ tự phục hồi về trạng thái khỏe mạnh tự nhiên vốn có.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia da liễu, việc hoàn toàn bỏ qua bước làm sạch da lại có thể mang tới nhiều rủi ro. Tiến sĩ Nicole M. Golbari, bác sĩ da liễu tại Trường Y khoa NYU Grossman Long Island (Hoa Kỳ), cho biết: “Da mặt mỗi người là một hệ sinh thái riêng biệt, chứa đa dạng vi khuẩn và nấm – nghe có vẻ đáng sợ nhưng đó là điều hoàn toàn bình thường. Để làn da hoạt động tốt, hệ vi sinh vật này cần được duy trì ở trạng thái cân bằng”.

beautiful-woman-process-washing-face-165488-3436-1--32663414331371904857794.jpg

Vệ sinh sạch sẽ cho da mặt rất quan trọng (Ảnh: Freepik)

Bỏ rửa mặt trong thời gian dài có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của các loại nấm men và vi khuẩn, làm gia tăng nguy cơ viêm da tiết bã nhờn và mụn trứng cá. Viêm da tiết bã nhờn, vốn là tình trạng liên quan đến nấm Malassezia, thường gây nên các mảng vảy vàng, kèm theo viêm quanh vùng mũi, má và lông mày. Trong khi đó, mụn trứng cá là hậu quả của việc lỗ chân lông bị bít tắc do dầu thừa, tế bào chết và bụi bẩn tích tụ lâu ngày.

Tiến sĩ Asmi Berry, một bác sĩ da liễu tại Los Angeles, nhận định rằng: “Tối giản trong chăm sóc da là xu hướng được ưa chuộng, nhưng bỏ qua hoàn toàn bước làm sạch không phải là giải pháp an toàn. Trên thực tế, rủi ro khi không rửa mặt thường cao hơn nhiều so với lợi ích”.

Ngoài các vấn đề sức khỏe da liễu, việc không làm sạch da cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Da không được rửa sạch sẽ tích tụ tế bào chết trên bề mặt, khiến da xỉn màu, không đều màu và thô ráp khi chạm vào. Lỗ chân lông nếu không được làm sạch có thể to ra và dễ thấy hơn theo thời gian. Hơn nữa, các chất ô nhiễm còn sót lại trên da có thể tạo ra các gốc tự do – tác nhân góp phần đẩy nhanh quá trình lão hóa da.

Dù vậy, những người có làn da quá khô hoặc nhạy cảm có thể tránh dùng xà phòng mạnh, miễn là họ vẫn rửa mặt bằng nước sạch. Tuy nhiên, nếu loại bỏ cả nước và xà phòng hoặc sữa rửa mặt hoàn toàn thì khả năng tích tụ bụi bẩn và bít tắc lỗ chân lông sẽ cao hơn, từ đó khiến tình trạng mụn trứng cá hoặc viêm da càng trở nên nghiêm trọng.

pump-bottle-1--92759075737337845088423.webp

Nên lựa chọn các sản phẩm sữa rửa mặt phù hợp với từng loại da, không gây kích ứng (Ảnh: Getty Images)

Tiến sĩ Nicole M. Golbari khuyến nghị một phương pháp chăm sóc da cân bằng, kết hợp làm sạch nhẹ nhàng và lắng nghe phản ứng của làn da là lựa chọn bền vững nhất. Trước khi sử dụng sản phẩm mới, nên thử trên một vùng da nhỏ để kiểm tra mức độ nhạy cảm. Ngoài ra, việc thường xuyên vệ sinh các dụng cụ trang điểm như cọ và bọt biển bằng chất tẩy rửa dịu nhẹ cũng giúp hạn chế vi khuẩn tích tụ gây hại cho da.

Để lựa chọn sữa rửa mặt phù hợp, bạn nên tìm kiếm các sản phẩm có ghi chú “nhẹ nhàng”, “cân bằng độ pH”, “không mùi thơm” và “không gây mụn”. Đồng thời, cần nhớ rằng sức khỏe làn da không chỉ đến từ bên ngoài mà còn bắt nguồn từ chế độ sinh hoạt khoa học: uống đủ nước, ngủ đủ giấc và ăn nhiều trái cây, rau xanh là những yếu tố quan trọng giúp duy trì làn da sáng khỏe, mịn màng và tươi trẻ./.

Bài liên quan
Sau nhiều vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học, các bác sĩ cảnh báo cha mẹ cần đặc biệt lưu ý trong khâu chăm sóc, xử trí khi trẻ có dấu hiệu bất thường, nhất là trong mùa hè – thời điểm nguy cơ ngộ độc tăng cao.
Sau nhiều vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học, các bác sĩ cảnh báo cha mẹ cần đặc biệt lưu ý trong khâu chăm sóc, xử trí khi trẻ có dấu hiệu bất thường, nhất là trong mùa hè – thời điểm nguy cơ ngộ độc tăng cao.
Cảm giác thèm ăn không đơn thuần xuất phát từ nhu cầu sinh lý mà thường là kết quả của thói quen, cảm xúc hoặc sự kỳ vọng. Vậy làm sao để vượt qua những cám dỗ tưởng chừng không thể cưỡng lại?
05/05/2025
Khi trẻ bị ốm, bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng và rút ngắn thời gian điều trị.
05/05/2025
Tuổi tác không chỉ được quyết định bởi số năm sống mà còn phụ thuộc vào tuổi sinh học – một yếu tố bị chi phối lớn bởi chế độ ăn uống hàng ngày. Một số loại thực phẩm tưởng chừng vô hại nhưng lại âm thầm thúc đẩy quá trình lão hóa, khiến cơ thể suy yếu và làn da xuống cấp nhanh hơn.
05/05/2025
Việc kết hợp khéo léo các loại thực phẩm không chỉ giúp món ăn thêm ngon miệng mà còn mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe, đặc biệt là tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
05/05/2025
Tin mới