Mật mía Thạch Thành thơm, ngon, đậm vị nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Do nhu cầu tăng cao, các chủ lò ngày đêm đỏ lửa để có hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
Làng nghề đỏ lửa ngày đêm
Khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa có hơn 20 hộ dân làm nghề nấu mật mía. Đây được coi là thủ phủ mật mía của tỉnh Thanh Hóa và dải đất miền Trung. Bước xuống xe, dù đứng từ xa nhưng vị thơm ngọt từ những mẻ mật đang nấu đã hấp dẫn chúng tôi và những thực khách sành ăn.
Đang đóng mật cho khách, anh Đỗ Văn Dương, trú tại khu phố Lâm Thành cho biết, đây là nghề thủ công truyền thống của gia đình từ đời bố anh để lại.
Nghề làm mật mía tùy thuộc vào vụ chặt mía. Ngày thường, họ không quá bận rộn. Dịp Tết Nguyên đán, do nhu cầu sử dụng mật mía tăng cao, ngoài người dân địa phương, thương lái từ Nghệ An, Hà Tĩnh… cùng tìm về đây mua mật. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh Dương phải thuê thêm người làm, đỏ lửa suốt ngày đêm mới kịp hàng.
Anh Dương chia sẻ, nghề làm mật rất vất vả, để có được mẻ mật chất lượng, đẹp về màu sắc cần bàn tay và kinh nghiệm của chủ lò.
Mía sau khi ép nước xong, được cho vào chảo để nấu. Khi mật sôi và đạt đến màu nhất định sẽ cho ra thùng phi. Quá trình nấu, chủ lò phải canh để vớt bọt, tạp chất làm sao cho mật chất lượng và màu đẹp mắt nhất.
Trung bình mỗi ngày anh Dương nấu được 1 tấn mật. Làm tới đâu thương lái mua tới đó, nhiều hôm xe tới bốc nhưng không có hàng để bán.
Tùy theo chất lượng mật, giá bán sỉ tại lò dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Nhờ làm mật mía, vợ chồng anh Dương có thu nhập nuôi con cái ăn học và xây dựng được nhà cửa khang trang.
Mật mía Thạch Thành đi khắp nơi phục vụ Tết Nguyên đán
Năm nay đã 78 tuổi, sức khỏe yếu, không tham gia với con cháu nấu mật, nhưng bà Lê Thị Thái vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Từ sáng sớm, bà Thái đã mở sạp ngồi bán mật trước cửa nhà.
Bà chia sẻ, chồng là người miền Bắc, vợ chồng kết hôn với nhau rồi lên khu phố Lâm Thành sinh cơ lập nghiệp và học được nghề làm mật. Nay chồng đã mất, 2 người con trai của bà Thái vẫn nối nghiệp gia đình. Dù bán lẻ ngày được mấy lít mật nhưng bà Thái vẫn vui vì mình chưa phải dựa dẫm vào con cháu.
"Làm mật là nghề truyền thống của gia đình. Nay 2 con tôi vẫn theo nghề của bố để lại. Làm mật tuy vất vả, nhưng vẫn hơn làm ruộng. Dịp Tết là lúc bận nhất trong năm, nhưng đổi lại có thêm thu nhập", bà Thái nói.
Vừa nghỉ tay sau một ngày làm việc, ông Nguyễn Văn Quang, trú tại khu phố Lâm Thành chia sẻ, gần 1 tháng nay, gia đình tập trung chuẩn bị mật bán dịp Tết. Đây là nghề truyền thống của gia đình ông hàng chục năm nay. Ngoài 2 vợ chồng, ông Quang phải thuê thêm 2 lao động thời vụ để hỗ trợ ép mía, đốt lò.
Ông Quang nhớ lại, những năm 80 của thế kỷ XX, Lâm Thành mới có vài gia đình nấu mật mía. Do nguồn mía tại địa phương dồi dào, mật chất lượng tốt được người tiêu dùng ưa chuộng nên làng nghề ngày càng mở rộng. Đến nay, Lâm Thanh có 22 hộ làm nghề nấu mật.
Theo ông Quang, dù không giàu có, nhưng nhờ làm mật mía mà các hộ gia đình nơi đây có cuộc sống ổn định, khá giả. Ngày xưa, khi mới sơ khai, ép mía lấy mật sử dụng sức trâu kéo và người đẩy nên rất vất vả. Bây giờ, áp dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật, công đoạn ép được máy móc thực hiện, giải phóng được một phần sức lao động của con người.
Tuy nhiên, công đoạn nấu, lọc mật thì không máy móc nào thay thế được, hoàn toàn dựa vào bàn tay và kinh nghiệm của chủ lò. Để có được 1 mẻ mật đẹp, chủ lò phải bám và đứng canh chảo mật. Nhiệt độ của lò quyết định sự thành bại của 1 mẻ mật.
Trung bình mỗi ngày gia đình ông Quang và các chủ lò nấu được 1 tấn mật mía để cung cấp ra thị trường. Năm nay, dù gần 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng nhu cầu mật mía đã tăng cao. Các chủ lò ngày đêm đỏ lửa để cho ra những mẻ mật kịp phục vụ Tết.
Ông Hoàng Khắc Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Kim Tân cho biết, làng nghề mật mía Lâm Thành có từ lâu và nay có nhiều hộ gia đình tham gia. Làm mật mía theo mùa vụ, nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết. Làng nghề đã giải quyết được công ăn việc làm cho một số lao động, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
"Chúng tôi đang có ý định xây dựng mật mía làng nghề Lâm Thành thành sản phẩm Ocop của địa phương", ông Khoa nói./.