VTV.vn - Làng chiếu Cà Hom ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng từ cuối thế kỷ XIX đến nay.
Chiếu là sản phẩm quen thuộc của người dân Việt Nam. Khắp nơi trên cả nước có rất nhiều làng nghề dệt chiếu. Tùy theo từng vùng mà chiếc chiếu có những đặc điểm riêng, mang đậm nét văn hóa của nơi làm ra. Qua đôi bàn tay khéo léo, bà con địa phương đã giúp sức đưa nghề truyền thống ngày càng vươn xa.
Theo chương trình Miền Tây hôm nay (VTV Cần Thơ) tìm hiểu, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX có làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Hiện nay làng chiếu có hơn 80% hộ dân làm nghề là bà con dân tộc Khmer.
Những chiếc chiếu ở đây có hoa văn độc đáo, bền và đẹp. Ngày ngày những khung dệt của làng nghề vẫn miệt mài hoạt động, lưu giữ nét văn hóa truyền thống. Và hơn hết là mang lại thu nhập cho bà con tại địa phương. Là truyền nhân đời thứ 3 của gia đình, bà Diệp Thị Tôm chia sẻ những hoa văn của chiếu Cà Hom không thể dệt bằng máy mà phải dùng tay mới đẹp. Nghề này đã nuôi sống gia đình bà nhiều năm qua, giúp những đứa con ăn học thành tài.
Công đoạn đầu tiên để dệt chiếu và chọn lựa chiều dài sợi lát cho phù hợp với khổ chiếu cần dệt rồi vót lại bằng lưỡi dao sắc và nhỏ. Sợi lát sau đó mang đi phơi khoảng 2 – 3 nắng nếu trời nắng to. Sợi lát đã phơi khô sẽ trải qua công đoạn nhuộm rất kỳ công để có màu sắc tươi sáng. Chiếu Cà Hom thường có 4 màu cơ bản là đỏ, vàng, xanh lá cây và tím.
Tay nghề của người thợ rất quan trọng trong quá trình dệt chiếu vì phải làm sao để sợi lát đan vào chiếu vừa khít, đều, có độ bền. Ưu điểm của chiếu Cà Hom là dù sử dụng 4 – 5 năm nhưng vẫn đảm bảo chiếu không bị đổ lông, phai màu hay giòn gãy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!