Mexico cảnh báo việc áp thuế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng của khu vực Bắc Mỹ.
Trong một sắc lệnh công bố ngày 12/7/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp mức thuế 30% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8. Động thái này được công bố qua một lá thư chính thức gửi tới Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum, đồng thời đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Truth.
Phản ứng trước sắc lệnh hành pháp mới của Mỹ, Chính phủ Mexico hôm 12/7 cho rằng quyết định áp thuế 30% đối với Mexico là hành động đơn phương, không dựa trên các cơ sở pháp lý vững chắc trong khuôn khổ (USMCA).
Tổng thống Claudia Sheinbaum ngay sau đó đã triệu tập nội các khẩn cấp, khẳng định Mexico sẽ sử dụng tất cả các công cụ pháp lý sẵn có để bảo vệ lợi ích quốc gia, bao gồm khả năng khởi kiện Mỹ thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của USMCA.
Bên cạnh đó, Mexico cũng nhấn mạnh rằng nước này trong thời gian qua đã có những nỗ lực đáng kể trong việc kiểm soát sản xuất, vận chuyển và xuất khẩu các tiền chất có thể dùng để điều chế fentanyl, cũng như tăng cường phối hợp chống buôn bán ma túy với lực lượng chức năng Mỹ.
Mexico cũng cảnh báo rằng việc áp thuế có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng khu vực Bắc Mỹ, nhất là trong các ngành sản xuất phụ trợ và công nghiệp lắp ráp vốn phụ thuộc vào luồng thương mại song phương ổn định.
Từ góc nhìn kinh tế, việc áp thuế 30% có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp hai nước, đặc biệt trong bối cảnh các chuỗi cung ứng hậu đại dịch COVID-19 vẫn đang trong quá trình phục hồi.
Các chuyên gia nhận định, nếu không được xử lý kịp thời, tranh chấp thương mại lần này có thể khiến dòng vốn đầu tư vào Mexico chững lại, ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng hiện tại, nhất là khi nước này đang tận dụng xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu (nearshoring).
Theo giới quan sát chính trị Mexico, nhiều khả năng trong thời gian tới hai nước sẽ nối lại đối thoại cấp cao nhằm tìm kiếm giải pháp thương lượng, tránh để căng thẳng thương mại lan rộng và ảnh hưởng đến các lĩnh vực hợp tác khác như an ninh, di cư, năng lượng và môi trường.
Mexico được cho là sẽ thúc đẩy các cuộc gặp song phương với các cố vấn thương mại và an ninh quốc gia của Mỹ để làm rõ các cam kết mà nước này đã thực hiện, đồng thời đề xuất những cơ chế kiểm soát fentanyl hiệu quả hơn.
Vế phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục sử dụng chính sách thuế như một công cụ gây áp lực chính trị và đàm phán, không loại trừ khả năng điều chỉnh quy mô hoặc phạm vi áp thuế tùy theo kết quả các cuộc thương lượng.
Trong khi đó, Mexico sẽ đứng trước bài toán chiến lược: vừa phải bảo vệ hình ảnh một đối tác đáng tin cậy trong thương mại toàn cầu, vừa duy trì quan hệ ổn định với đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ - nơi tiếp nhận gần 80% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Mỹ Latinh này.