Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa đưa ra kết luận sơ bộ liên quan đến cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đúc bằng sợi có xuất xứ từ Việt Nam. Theo đó mức chống bán phá giá sơ bộ là 0,76% - một kết quả tích cực trong giai đoạn đầu của quá trình điều tra.
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, cuộc điều tra này được khởi xướng bởi nguyên đơn: Genera, Tellus Products, LLC, and the United Steel, Paper and Forestry, Rubber, Manufacturing, Energy, Allied Industrial and Service Workers International Union, AFL-CIO (USW). Thời gian điều tra được xác định kéo dài từ ngày 1/4 đến ngày 30/9/2024, với đối tượng là các sản phẩm đúc bằng sợi (Molded fiber products) mang mã HS 4823.70.0020, 4823.70.0040 và một số mã liên quan khác như 4823.61.20, 4823.61.40, 4823.69.20 và 4823.69.40.
Trong kết luận ban đầu, DOC đã xác định mức thuế chống bán phá giá sơ bộ (sau khi đã điều chỉnh với thuế chống trợ cấp như sau: Công ty bị đơn bắt buộc mức thuế chống bán phá giá là 0,76%. Công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ mức thuế chống bán phá giá là 0,76% (được tính dựa trên mức thuế của công ty bị đơn bắt buộc).
Đối với những doanh nghiệp không phản hồi bản câu hỏi về số lượng và giá trị giao dịch, hoặc không nộp hồ sơ xin áp dụng thuế suất riêng, mức thuế chống bán phá giá toàn quốc được tính dựa trên thông tin sẵn có bất lợi là 211,60%.
Cùng bị điều tra trong vụ việc, các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với mức thuế sơ bộ dao động từ 47,44% đến 477,97%. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm trên sang thị trường Hoa Kỳ đang được hưởng một kết quả tương đối tích cực khi mức thuế chống trợ cấp sơ bộ mà họ phải chịu chỉ là 3,39%.
Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là giai đoạn sơ bộ, và các mức thuế vẫn có khả năng bị điều chỉnh khi DOC đưa ra kết luận cuối cùng. Theo trình tự điều tra, DOC sẽ thực hiện các chuyến thẩm tra tại chỗ đối với doanh nghiệp Việt Nam nhằm kiểm chứng các dữ liệu đã cung cấp. Đồng thời, cơ quan này cũng cho phép các bên liên quan gửi bình luận về phạm vi sản phẩm trong vòng 30 ngày kể từ ngày 6/5/2025 (thời điểm công bố kết luận sơ bộ về phạm vi điều tra) và nộp các ý kiến phản biện trong vòng 7 ngày sau đó.
Hiện tại, thời điểm dự kiến ban hành kết luận cuối cùng được ấn định là ngày 21/7/2025, mặc dù thời hạn này có thể được gia hạn nếu cần thiết. Trước tình hình đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp liên quan cần tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến vụ việc và duy trì sự phối hợp chặt chẽ với phía Hoa Kỳ, nhằm đảm bảo kết quả cuối cùng mang lại lợi ích tối đa cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam./.