Theo báo cáo mới công bố của Văn phòng khu vực Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các công việc trên nền tảng số đang phát triển nhanh chóng tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, mang lại nhiều cơ hội việc làm mới nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức về điều kiện lao động và bảo trợ xã hội.
Trả lời TTXVN, giám đốc khu vực ILO, bà Ana Virginia Moreira Gomes, nhận định rằng sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số là một hiện tượng toàn cầu, song cần hiểu rõ tác động của nó tại từng khu vực, đặc biệt là Mỹ Latinh và Caribe, để từ đó xây dựng chính sách công phù hợp với thực tiễn lao động tại đây.
Báo cáo của ILO khảo sát nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế số, từ lập trình, thiết kế đồ họa, huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI) đến các công việc mang tính lặp lại như dán nhãn dữ liệu. Kết quả cho thấy, 93% người lao động trong lĩnh vực này sống tại khu vực đô thị, với độ tuổi trung bình là 33 và hơn một nửa có trình độ đại học. Đáng chú ý, 53% làm việc cho các nhà thầu nước ngoài, trong đó 90% là khách hàng đến từ Mỹ và Canada. Tuy nhiên, có tới 52% người được khảo sát cho biết đây không phải là nguồn thu nhập chính của họ.
Dù công việc trên nền tảng số mang lại sự linh hoạt và thu nhập bổ sung, báo cáo cũng chỉ ra nhiều vấn đề đáng quan ngại. Gần 40% người lao động không được tiếp cận với bảo hiểm y tế và an sinh xã hội. Ngoài ra, áp lực làm việc cao với thời gian kéo dài—nhiều trường hợp lên tới 10 tiếng/ngày, làm đêm và thậm chí làm việc 5–7 ngày mỗi tuần—gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và an toàn nghề nghiệp.
ILO nhấn mạnh rằng, trong khi nền kinh tế số đang mở ra thị trường lao động mới, các quốc gia trong khu vực cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để đảm bảo người lao động được tiếp cận việc làm bền vững, có điều kiện làm việc công bằng và được bảo vệ đầy đủ trước các rủi ro nghề nghiệp trong môi trường số./.