Ngành vận tải biển, vốn xử lý 80% thương mại toàn cầu, đang đối mặt với nhiều bất ổn khi Mỹ gia tăng căng thẳng thương mại và áp thuế quan mới. Những động thái này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến các hãng tàu lớn và đẩy giá tiêu dùng tăng cao.
Hội nghị về chuỗi cung ứng và vận chuyển container TPM 2025 sắp diễn ra tại Long Beach, California, thu hút sự tham gia của các "ông lớn" trong ngành như MSC, Maersk, Hapag-Lloyd, cùng các khách hàng lớn như Walmart và các công ty hậu cần như DSV và DHL.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Mỹ gia tăng chính sách bảo hộ, gây sức ép lên thương mại toàn cầu. Tổng thống Donald Trump đã áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới – và đề xuất mức phí cảng lên đến hàng triệu USD đối với tàu do Trung Quốc đóng.
Ngoài ra, từ ngày 4/3, Mỹ có thể áp thuế 25% đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, bao gồm bơ, rượu tequila, thịt bò, gỗ và dầu. Chính quyền Trump cũng có kế hoạch tăng thuế đối với thép và nhôm, đồng thời đã áp mức thuế 25% đối với các sản phẩm từ Liên minh châu Âu (EU).
Trước những diễn biến này, ông Peter Sand, chuyên gia phân tích tại nền tảng định giá vận tải Xeneta, nhận định: "Sự bất ổn chưa từng có đang diễn ra ở khắp mọi nơi."
Bên cạnh áp lực thuế quan, ngành vận tải biển toàn cầu còn đối mặt với chi phí tăng cao do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và việc buộc phải chuyển hướng tàu tránh kênh đào Suez vì lo ngại các cuộc tấn công từ phiến quân Houthi.
Trong những tuần gần đây, nhập khẩu container của Mỹ tăng mạnh khi các doanh nghiệp gấp rút đặt hàng trước khi thuế quan mới có hiệu lực. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng xu hướng này có thể sớm đảo chiều. Khi mức thuế mới bắt đầu tác động, nhiều quốc gia sẽ có động thái đáp trả, trong khi người tiêu dùng Mỹ có thể giảm chi tiêu do giá cả tăng cao.
Hiện tại, chỉ số giá cước vận tải container Drewry World Container Index cho thấy giá vận chuyển một container 40 feet đã giảm xuống còn 2.629 USD vào cuối tuần trước – thấp hơn 75% so với mức đỉnh 10.377 USD vào tháng 9/2021 và chạm đáy kể từ tháng 5/2024.
Các nhà phân tích của Jefferies nhận định: "Tình hình địa chính trị đang trở nên phức tạp hơn, có thể khiến giá cước biến động mạnh. Tuy nhiên, theo kịch bản cơ bản, giá cước vận tải sẽ giảm nhẹ trong suốt năm 2025."
Ngày 21/2, Mỹ tiếp tục gây lo ngại khi đề xuất áp phí cảng cao đối với các tàu do Trung Quốc đóng nhằm thúc đẩy ngành đóng tàu trong nước. Theo kế hoạch, các tàu thuộc sở hữu của doanh nghiệp vận tải biển Trung Quốc, bao gồm COSCO, có thể phải trả phí lên đến 1 triệu USD mỗi lần cập cảng Mỹ, trong khi các nhà khai thác sử dụng tàu Trung Quốc có thể chịu mức phí 1,5 triệu USD.
Dù động thái này có thể mang lại lợi ích cho các hãng tàu Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, các chuyên gia cảnh báo rằng nó sẽ đẩy chi phí vận chuyển tăng cao, tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng. Các mặt hàng từ đồ chơi, quần áo đến thực phẩm và nhiên liệu có thể sẽ đắt đỏ hơn.
Chuyên gia vận tải Lars Jensen nhấn mạnh: "Gánh nặng kinh tế đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Mỹ sẽ rất lớn. Những động thái của chính quyền Mỹ trong bốn tuần qua là chưa từng có về quy mô và phạm vi."
Với bối cảnh này, ngành vận tải biển toàn cầu đang bước vào giai đoạn đầy biến động, khi thương mại quốc tế ngày càng bị siết chặt bởi căng thẳng địa chính trị và chính sách bảo hộ từ Mỹ./.