Luật quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2025. Trong đó có nhiều chính sách thuế quan trọng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những "điểm nghẽn" lớn cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 2025, dự toán thu ngân sách Nhà nước được Quốc hội giao là 1,97 triệu tỷ đồng. Luật quản lý thuế sửa đổi cũng vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong đó có nhiều chính sách thuế quan trọng, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những "điểm nghẽn" lớn cho người dân, doanh nghiệp. Trọng tâm là chính sách phân cấp, phân quyền cho các chi cục thuế được phép ra quyết định hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp, thay vì chỉ có Cục thuế các địa phương được phép như trước đây.
Trước đây, các hồ sơ hoàn thuế chỉ tập trung tại Cục thuế dẫn đến áp lực về thời gian giải quyết rất lớn, khó khăn trong việc kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa gian lận thuế. Việc phân quyền hoàn thuế về thêm cho các chi cục thuế, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình giải quyết hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Các chi cục thuế là người theo dõi tình hình nhiệm vụ thuế 1 cách trực tiếp, nên họ có thể nắm được rõ về tình hình sản xuất kinh doanh, qua đó cũng có thể phát hiện kịp thời những sai phạm nếu có trong quá trình xử lý hoàn thuế. Sẽ giúp cơ quan thuế thực hiện tốt nhiệm vụ hoàn thuế và từ đó giúp các doanh nghiệp kịp thời nhận được tiền hoàn thuế của mình".
Với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì được hoàn thuế càng nhanh, việc sản xuất kinh doanh càng hiệu quả.
Trung bình mỗi năm thì doanh nghiệp nhỏ được hoàn thuế gần 3 tỷ đồng. Nếu việc hoàn thuế diễn ra nhanh ngày nào thì doanh nghiệp sẽ sớm có thêm nguồn vốn ngày đấy để đưa vào phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ ngân hàng.
"Tôi đánh giá là nó sẽ thuận tiện hơn trước. Hy vọng với sự thay đổi này sẽ tạo ra 1 dòng tiền để doanh nghiệp có thể nhanh tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tôi nghĩ sẽ rất tốt cho doanh nghiệp", ông Quảng Đức Phương, Chủ sở hữu Công ty TNHH Dae Hyeong Vina chia sẻ.
Luật quản lý thuế sửa đổi cũng quy định, từ 1/4/2025, các sàn thương mại điện tử, nền tảng số có chức năng thanh toán sẽ phải khấu trừ, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế ch biết: "Việc này có lợi ích, thay vì hàng trăm nghìn cá nhân kinh đó thì giờ chỉ cần 1 đầu mối kê khai là các sàn thương mại điện tử. Việc này sẽ giúp cho tiết kiệm chi phí của toàn xã hội. Hỗ trợ cho người nộp thuế là cá nhân người ta sẽ không phải kê khai từng lần với cơ quan thuế nữa".
Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, với quy mô giao dịch lên tới 75.000 tỷ đồng. Với số lượng lớn như vậy, nên quy định này được kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế, nhằm giải thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực cho thương mại điện tử phát triển.
Mới đây, ngành thuế cũng đưa vào vận hành chính thức cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhằm tạo thêm một kênh thực hiện nghĩa vụ thuế thuận tiện hỗ trợ cho hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện các thủ tục về thuế. Đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, minh bạch trong bối cảnh kinh doanh trên nền tảng số ngày càng mở rộng tại Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, chủ hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Với những giải pháp ở trên, ngành thuế quyết tâm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2025 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao./.